Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội là liên quan đến chế độ BHYT.
|
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) |
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng, liên quan đến việc tham gia BHYT của học sinh tại trường học cao hơn so với tham gia BHYT tại hộ gia đình. Vì vậy, trong khi chờ điều chỉnh luật, cử tri An Giang tha thiết đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm ngay trong kỳ họp thứ 5 này với những chỉ đạo cụ thể, tháo gỡ bất cập liên quan.
Theo đại biểu, trước mắt Quốc hội đưa vào Nghị quyết của kỳ họp cho chủ trương, người dân được quyền lựa chọn nơi tham gia BHYT cho học sinh tại trường hoặc tại hộ gia đình, không nhất thiết buộc học sinh phải tham gia BHYT tại trường học để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình vào dịp năm học mới 2023- 2024 sắp tới.
Đánh giá cao công tác giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, song đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng trong tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chính phủ, Quốc hội quan tâm và cầu thị hơn nữa để khẳng định rõ hơn niềm tin của cử tri với Quốc hội, với các cơ quan của Quốc hội, với Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ. Bởi Báo cáo về kết quả đang tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu giải quyết của Chính phủ có nêu tiếp thu 81 kiến nghị của cử tri nhiều địa phương liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung gửi tới kỳ họp thứ 3 đến hết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và kỳ họp thứ 2, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) và dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 10/2023 và thông qua vào tháng 5/2024. Tại thông báo kết luận của Ủy ban TVQH về dự kiến Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 cũng có đề cập Luật BHYT (sửa đổi) giao lại cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để trình bổ sung vào chương trình, trong khi đó dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được ĐBQH thảo luận vào ngày 24/5 thì chưa thấy nội dung Luật BHYT (sửa đổi) trong chương trình, với lý do là dự thảo luật chưa đảm bảo chất lượng.
Đại biểu nhấn mạnh: “Đây là ý kiến của đông đảo cử tri ở nhiều địa phương, ít nhất là 36 địa phương trong cả nước và ý kiến kiến nghị này đã kéo dài nhiều năm, qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV, khóa XV. Kiến nghị bất cập lĩnh vực này đã kéo dài nhiều năm, việc nghiên cứu dự án luật chưa đảm bảo chất lượng, chưa thật sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của cử tri. Mặt khác, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được thông qua và luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2004. Do đó, Luật BHYT cần sửa đổi để thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết, sớm khắc phục những bất cập đặt ra như phạm vi, quyền lợi, mức BHYT".
|
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) |
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, nhiều nhiệm vụ cần được cụ thể hóa từ nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Giải quyết các vấn đề bất cập trong mối liên hệ giữa y tế cơ sở và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như nhiều hạn chế được nêu tại Báo cáo số 37 của Kiểm Toán nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2021; kiến nghị hoàn thiện các văn bản pháp luật để đảm bảo các quy định được xây dựng đầy đủ và phù hợp hơn. Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị Quốc hội xem xét, Chính phủ quan tâm tiếp thu ý kiến này của đông đảo cử tri, khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 để đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Luật BHYT sửa đổi cần được tập trung vào một số nội dung, như: Việc hoàn thiện pháp luật quy định về giá dịch vụ cho khám bệnh, chữa bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; quy định bàn khám; chỉ tiêu và điều chỉnh biên chế trên giường bệnh cho phù hợp với thực tế nhu cầu khám bệnh và chữa bệnh của Nhân dân; cần có chính sách giảm lãi suất cho vay học tập đối với học sinh, sinh viên…
Dưới góc độ khác, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho rằng, giải quyết kiến nghị của cử tri không thuần túy chỉ đơn thuần là câu chuyện trách nhiệm của Quốc hội, trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước mà việc giải quyết tốt kiến nghị của cử tri còn trực tiếp ảnh hưởng đến “câu chuyện” phát triển kinh tế- xã hội ở từng địa phương. Đơn cử, Quyết định 861 ảnh hưởng không chỉ như các đại biểu nói, Báo cáo của Chính phủ cho thấy riêng năm 2022 riêng thẻ BHYT phải qua các kênh vận động, các nhà tài trợ để giúp cho khoảng 2,8 triệu người có thẻ BHYT. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến chuyện hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT mà còn là tính bền vững của BHYT…
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ cần giải quyết sớm những kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp Quốc hội. Cụ thể, việc hoàn thiện pháp luật quy định về giá dịch vụ cho khám chữa bệnh; chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT; quy định bàn khám; chỉ tiêu và điều chỉnh biên chế trên giường bệnh cho phù hợp với thực tế nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đặc biệt, nhiều kiến nghị liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, chế độ tiền lương, BHXH thuộc trách nhiệm tham mưu, giải quyết của Bộ LĐ-TB&XH cũng cần được Bộ quan tâm, xem xét giải quyết./.