|
Ảnh minh họa: KT |
Trên 13 triệu người tham gia BHTN
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Sau 11 năm thực hiện, đến nay đã có trên 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước, đã có 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra, nhiều người lao động mất việc làm, rơi vào tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống thì BHTN đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình.
Theo thống kê, chỉ riêng tháng 3/2020 là tháng cao điểm do ảnh hưởng của đại dịch, cả nước đã có 59.276 người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi 3 tháng đầu năm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các chế độ BHTN là 2.744 tỷ đồng, trong đó riêng chi cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỷ đồng, mức hưởng bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.
“Trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người hạn chế ra đường nhưng hệ thống thực hiện chính sách BHTN đặc biệt ở những tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương hàng trăm nghìn người thất nghiệp vẫn đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới” – Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình phát biểu tại hội thảo được tổ chức cuối tháng 5 vừa qua.
Quá trình thực hiện chính sách đã cho thấy BHTN đã thực sự giúp người lao động đảm bảo, duy trì cuộc sống. Người sử dụng lao động tránh được áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động và giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.
Cải cách, đổi mới Quỹ BHTN
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện BHTN còn bộc lộ một số hạn chế, chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy còn nhiều điểm bất cập.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi bảo hiểm thất nghiệp…
Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng tổ chức thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp và đề xuất với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Đề án đặt ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, mức độ hài lòng của người lao động và đưa ra 11 giải pháp cũng như giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành.
Dự kiến, Đề án sẽ được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng sáu này.
Để chính sách BHTN thật sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Việc làm, trong đó có các nội dung về BHTN. Đồng thời, đánh giá lại về năng lực và hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao vị thế, vai trò đối với việc thực hiện BHTN.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, việc xây dựng một Đề án để cải cách, đổi mới về BHTN là một yêu cầu cấp thiết. Quỹ BHXH không chỉ là công cụ an sinh xã hội mà thực chất là một công cụ quản trị thị trường lao động. Do đó, việc cải cách, đổi mới Quỹ BHTN chính là thực hiện chỉ đạo chủ trương của Đảng về phát triển thị trường định hướng XHCN mà trong đó Quỹ BHTN là công cụ của Đảng, Nhà nước quản trị thị trường thông qua cơ chế thị trường./.