Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến công khai. Một trong những vấn đề được quan tâm tại dự luật giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Hiện nay theo quy định của Luật BHXH điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhiều người không đủ kiên nhẫn nên rời bỏ hệ thống BHXH, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng người hưởng BHXH 1 lần lớn và có xu hướng tăng nhanh thời gian qua. Với thực trạng đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp xã hội hàng tháng như hiện nay thì việc đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng hưởng theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW là nhiệm vụ rất khó khăn.
Vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất sửa điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động bắt đầu tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn do không tham gia liên tục được hưởng lương hưu.
|
Người tham gia bảo hiểm xã hội muộn có cơ hội được hưởng lương hưu |
Theo đánh giá, việc giảm điều kiện số năm đóng để hưởng lương hưu có thể giúp làm gia tăng số người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH cần thiết để người lao động có thể hưởng lương hưu khi đủ tuổi, có nghĩa là so với quy định hiện hành thì người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn, trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên. Do đó, việc này về cơ bản là có tác động tiêu cực đến quỹ BHXH mặc dù những người này sẽ hưởng với mức hưởng thấp hơn, nhưng do thời gian chi trả sẽ được thực hiện sớm hơn và kéo dài hơn. Do vậy, cần đánh giá cụ thể hơn về những tác động của việc giảm số năm đóng đến khả năng cân đối quỹ BHXH.
Mặt khác, do cách tính lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, do vậy việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp, đặc biệt là đối với những người tham gia BHXH tự nguyện ở mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là 1.500.000 đồng/tháng, thời gian tham gia vừa đủ 15 năm thì mức hưởng của người này khi nghỉ hưu sẽ khá thấp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với trợ cấp hưu trí xã hội. Đồng thời theo định hướng thì tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được giảm theo lộ trình. Điều này lại tiếp tục ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Tạo cơ hội cho những người tham gia muộn
|
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường |
Trao đổi về nội dung giảm năm đóng bảo hiểm xuống còn 15 năm, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
“Quy định mới sẽ mở thêm cơ hội cho các nhóm đối tượng mới này được hưởng lương hưu, còn với những nhóm đối tượng khác có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn”, ông Cường chia sẻ.
Theo số liệu thống kê trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian qua có khoảng 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu không đủ năm đóng bảo hiểm xã hội 20 năm để hưởng lương hưu, bản thân họ đã phải lựa chọn đóng một lần cho đủ thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, khoảng 300.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 10 năm trở lên.
Như vậy, với việc dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời gian đóng BHXH như trên sẽ tạo cơ hội cho các nhóm đối tượng khác nhau có cơ hội được hưởng lương hưu. Mặc dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có số năm đóng bảo hiểm xã hội dài (từ 20 năm trở lên), nhưng họ sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng. Bên cạnh đó, mức lương hưu luôn được điều chỉnh định kỳ khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trong thời gian hưởng lương hưu thì được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế.
Việc sửa đổi lần này cũng góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu; khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm.
Trước những lo ngại về việc mức hưởng lương hưu thấp và gia tăng số lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi giảm năm đóng, ông Cường cho biết, cơ quan soạn thảo luật sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án hài hòa hơn, “mục tiêu là có nhiều người được hưởng lương hưu nhưng không làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần”./.