Nhiều mô hình sáng kiến đem BHXH, BHYT đến cho phụ nữ nghèo

Thứ tư, 22/03/2023 14:52
(ĐCSVN)- Xuất phát từ quá trình hoạt động Hội, nhận thấy nhiều chị em có hoàn cảnh quá khó khăn không thể mua nổi tấm thẻ BHYT để KCB lúc ốm đau, Hội LHPN các xã, phường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã sáng tạo ra cách làm là thu gom phế liệu và vận động chị em đóng góp kinh phí, mua thẻ BHYT, tỉnh Đắk Lắk tặng chị em.

Nhờ vậy, chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với những dịch vụ y tế, vơi bớt một phần gánh nặng về chi phí.

 Gom phế liệu mua BHYT của chị em ở Đắk Lắk. Ảnh: TL

Tại tỉnh Đắk Lắk, mô hình “ve chai” nói trên cũng được phát huy rộng khắp tại nhiều địa phương như thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar… Tại thị xã Buôn Hồ chỉ trong 2 năm 2021 – 2022  các cấp Hội trên địa bàn thị xã đã trao gần 5.000 thẻ BHYT cho gia đình hội viên khó khăn với tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Bà Nguyễn Phan Minh Tiết - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ chia sẻ: “Tùy theo điều kiện của từng đơn vị hoặc điều kiện kinh tế của từng gia đình mà tổ chức Hội sẽ hỗ trợ theo các mức khác nhau, có thể là 100% giá trị thẻ BHYT hoặc 30%, 50% hay 70% giá trị mỗi thẻ. Việc hỗ trợ không chỉ giúp chị em được chăm sóc sức khỏe mà hơn hết còn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia BHYT để bảo vệ bản thân, gia đình những lúc không may ốm đau, bệnh tật”.

Tại Tây Ninh, mô hình “Quỹ hỗ trợ hội viên mua BHYT trả góp” được Hội LHPN huyện Dương Minh Châu “phát minh” từ năm 2018. Đến nay, toàn huyện có 11/11 cơ sở Hội duy trì và nâng chất mô hình “Giúp nhau mua BHYT trả góp” với 40 tổ. Nhờ vậy, đã có hàng ngàn chị em phụ nữ được trợ giúp duy trì tham gia BHYT.

Bà Đặng Lê Na - Giám đốc BHXH huyện Dương Minh Châu cho biết: “Cùng với nhiều giải pháp khác mà BHXH Tây Ninh đang thực hiện, mô hình của Hội LHPN tỉnh là cách làm hay, hiệu quả, đã góp phần gia tăng tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn. BHXH huyện cũng thường xuyên triển khai các hoạt động phối hợp, hỗ trợ phát huy tối đa các giải pháp hay để phát triển BHYT trên địa bàn. Với mong muốn chị em phụ nữ cũng như người dân trên địa bàn có thẻ BHYT đi KCB ngày một cao hơn”.

Ở Tây Ninh, mô hình tương tự nhưng có tên gọi khác là “Góp vốn xoay vòng mua BHYT” tại huyện Hòa Thành cũng đem lại nhiều ý nghĩa cho chị em. Với hình thức hàng tháng tiết kiệm trong chi tiêu, các chị có điều kiện khá giả mỗi chị góp 100.000 đồng để hỗ trợ cho các chị em chưa có điều kiện mua BHYT. Sau đó, các chị em khó khăn được hỗ trợ mua thẻ BHYT sẽ trả góp dần hằng tháng không tính lãi. Hết chu kỳ, Hội LHPN các xã tiếp tục mua thẻ BHYT xoay vòng hỗ trợ cho các chị em khác. Vì vậy hội viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ không mặc cảm và hoàn toàn yên tâm tham gia. Với mô hình này, trong năm qua Hội LHPN Hòa Thành đã vận động mua được 9.660 thẻ BHYT. Các cấp Hội đã nâng chất mô hình lên được 37 “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT” với 529 thành viên, mỗi tổ trung bình 30 hội viên, giúp 932 chị mua thẻ BHYT.

Qua một thời gian triển khai, nhận thấy mô hình nuôi “heo đất” tiết kiệm tham gia BHXH, BHYT là cách làm khá hay và hiệu quả. Hiện nay Hội LHPN các tỉnh, thành phía Nam đang tích cực triển khai rộng rãi cách làm này. Phong trào “nuôi heo đất” đang lan tỏa mạnh ở các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An…

 BHXH phối hợp Hội LHPN tỉnh An Giang triển khai mô hình heo đất. Ảnh: TL

Tại Đồng Tháp, Hội LHPN nhiều huyện, thị xã như Hồng Ngự, Tam Nông, Cao lãnh… đã phát huy rộng khắp mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tiền mua BHYT hộ gia đình”; “Tổ tiết kiệm nuôi heo đất để dành tiền mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”… Đến nay, đã có gần 4.000 chị em ở các chi hội được hỗ trợ thông qua mô hình nuôi heo đất như vậy.

Bà Nguyễn Thị Kim Thu – Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và BHXH Đồng Tháp, các đơn vị cùng cấp ở nhiều địa phương đã tổ chức đa dạng hoạt động phát triển BHXH, BHYT trong chị em, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt Mô hình “Tổ tiết kiệm nuôi heo đất để dành tiền mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” được nhiều các chị em hưởng ứng, ủng hộ.

Tại An Giang, mô hình “Ống heo tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh An Giang qua sáng kiến của cơ quan BHXH và Hội LHPN đang đem lại hiệu ứng khá tốt. Với hình thức mỗi ngày chị em bỏ ống heo 10.000 đồng, mỗi tháng tiết kiệm 300.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện, bỏ thêm vào ống heo 2.500 đồng để tham gia BHYT. Đây là phương thức tiết kiệm rất thiết thực, gần gũi với các hội viên hội phụ nữ, nên năm 2022, sau khi phát động, toàn tỉnh An Giang đã có 526 tổ, với 2.633 thành viên đăng ký tham gia mô hình. Trong năm 2022  toàn tỉnh đã thành lập được 393 tổ, với 3.053 người tham gia BHXH, BHYT (trong đó, BHXH tự nguyện là 1.386 người và BHYT là 1.667 người).

Ông Đặng Hồng Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh An Giang chia sẻ: “Năm 2023 chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát và thúc đẩy, nhân rộng mô hình này. Chúng tôi mong rằng từ các cấp Hội, các chị em mô hình sẽ từ đó nhân rộng đến mọi người dân. Đích đến cuối cùng là chị em về già hàng tháng có đồng ra đồng vào từ lương hưu. Mô hình này cùng với nhiều giải pháp khác mà BHXH cùng các cấp, ngành thực hiện hy vọng sẽ góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.

Với nhiều cách làm sáng tạo, năng động của các Hội LHPN địa phương đã góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực