|
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) |
Phát triển đối tượng tham gia BHXH gặp khó vì COVID-19
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, phát triển mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH) là mục tiêu trước mắt và lâu dài để hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, theo đó Trung ương đã đặt ra các mục tiêu.
Cụ thể, đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 3-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ các tiêu chí, phương pháp xây dựng chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra.
Các chỉ tiêu phải bảo đảm như đối với BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tỷ lệ tổng số lao động tham gia chiếm ít nhất là 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất là 95% vào cuối năm 2020. Đối với BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng tham gia của năm sau ít nhất bằng 30% - 50% so với năm trước.
Ông Trần Hải Nam cũng thông tin, tính đến hết năm 2019, cả nước có 15,8 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,2% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 574 nghìn người, chiếm 1,2% LLLĐ trong độ tuổi. Con số này đã giúp chúng ta hoàn thành kế hoạch sớm hơn một năm so với chỉ tiêu đặt ra đối với phát triển BHXH tự nguyện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tuy nhiên, ngay đầu năm 2020, trong quý I và quý II, do tác động bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thực hiện giãn cách xã hội… dẫn đến nhiều người lao động phải tạm thời nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động... Điều này tác động trực tiếp đến số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, người lao động thuộc khu vực phi chính thức cũng gặp nhiều khó khăn, bị giảm hoặc mất thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội.
Từ đó dẫn tới những thách thức không nhỏ đến việc bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020.
Tuy nhiên, ông Trần Hải Nam cho rằng, những khó khăn là ngắn hạn, cùng với việc từng bước kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, những nỗ lực của Chính phủ trong khôi phục lại nền kinh tế, phục hồi sức khỏe của doanh nghiệp sau dịch bệnh và sự quyết tâm của các cơ quan tổ chức chính quyền, địa phương các cấp triển khai thực hiện chính sách, các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 tiếp tục được giữ vững và phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Mở rộng độ bao phủ BHXH
Để tăng độ bao phủ BHXH nói chung, cũng như BHXH tự nguyện nói riêng để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ông Trần Hải Nam cho rằng, trong ngắn hạn cần tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước đang triển khai thực hiện bảo đảm ổn định thu nhập lâu dài cho người dân khi về già, khi hết độ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, với những khó khăn trước mắt do tác động của đại dịch COVID-19, cần ưu tiên các giải pháp sớm khôi phục nền kinh tế, phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Đối với đối tượng lao động khu vực phi chính thức, các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình cũng có thể có thêm gói chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn cùng gói hỗ trợ chung của Chính phủ, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện để duy trì và tham gia BHXH tự nguyện.
“Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là giữ được người đang tham BHXH tiếp tục ở lại, thay vì họ hưởng BHXH một lần với nhóm đối tượng nhóm tham gia BHXH bắt buộc như BHXH tự nguyện phải dừng đóng BHXH” – ông Trần Hải Nam nhấn mạnh.
Về lâu dài, ông cho rằng, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về BHXH để hướng tới việc linh hoạt, đa dạng trong các chế độ thụ hưởng chính sách, tăng cơ hội cũng như quyền lựa chọn của người dân khi tham gia để phù hợp với nhu cầu mong muốn của từng đối tượng khi tham gia BHXH. Chính sách khi thực hiện sẽ bảo đảm quyền và nguyện vọng của người dân và mong muốn khi tham gia thụ hưởng từ chính sách.
Theo ông, khi việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo điều kiện để duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện trong thời gian tới./.