Chiều 9/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây là vấn đề mà Quốc hội khóa XIII, có nhiều đại biểu đã đưa ra vấn đề này và Quốc hội khóa XIV cũng tiếp tục có nhiều ý kiến vấn đề này. "Tôi đồng ý với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về giải pháp", đại biểu nói. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm muốn đề nghị Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đưa vấn đề này ra sớm hơn.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng khẳng định, hết sức đồng cảm về mặt tình cảm và cũng rất quyết tâm như đại biểu. Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội, nhân dân và các cụ lão thành nêu.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, do phân công công tác, trước đây ông không tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công, nhưng theo dõi ngành lao động nhiều năm. Tháng 2/2020 vừa rồi có sự thay đổi về phân công trong Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng tham gia vào Ban Chỉ đạo và được Thủ tướng giao cho nhiệm vụ làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Tại phiên họp sau đó 1 tháng, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã đưa ra nhiều nội dung, trong đó có nội dung về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hiền Minh) |
Phó Thủ tướng cho biết, cả nước có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993, nhưng theo đó còn có 400.000 người nghỉ hưu ở các thời điểm khác nhau nhưng lương hưu rất thấp, dưới 3 triệu, trong đó có những trường hợp như công nhân cao su, thậm chí chỉ khoảng 1 triệu cho nên đã tính một phương án là làm sao để có một khoản bù thêm. “Khoản này theo quy định là do ngân sách nhà nước đảm bảo, chứ không phải do bảo hiểm xã hội và đã tính cho khoảng 400.000 đối tượng với một mức bù là 500.000 đồng/người/tháng thì tính ra khoảng 2.400 tỷ/năm” – Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID, ảnh hưởng đến nguồn thu cho nên các cơ quan có thẩm quyền ở cấp trên đã quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương đi kèm với nó là bảo hiểm xã hội và chính sách người có công, kể cả áp dụng tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều thay vì đầu năm 2021 thì sẽ lùi sang ngày 01/7/2022. “Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993, thu nhập thấp thì tôi tin rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo với Thủ tướng, Thủ tướng chắc chắn sẽ biết và sẽ bàn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.