Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Bình, đến cuối tháng 5/2022, Quảng Bình có hơn 33.900 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 95 người so cuối năm 2021, đạt 76% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao và đạt 8,2% so lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (vượt gấp 8,2 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra), cao hơn khoảng 5% so tỷ lệ bình quân chung toàn quốc.
|
BHXH huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tập trung tuyên truyền theo nhóm nhỏ về BHXH- BHYT hộ gia đình ở xã Mai Thủy |
Điều này có được nhờ thời gian qua BHXH tỉnh luôn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Mặc dù ghi nhận những kết quả khả quan, song ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Quảng Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người dân tham gia, khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ cho người tham gia còn BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Cùng đó, mức hỗ trợ từ ngân sách với người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, thời gian đóng để có lương hưu lại kéo dài tới 20 năm, trong khi kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.
“Toàn tỉnh đã khai thác được 4.239 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng do số người tham gia giảm mạnh, lên đến 4.144 người dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện tính đến hết tháng 5/2022 chỉ tăng 95 người so với cuối năm 2021” – ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, cùng với BHXH tự nguyện tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chưa bền vững, số người tham gia tính đến hết tháng 5/2022 là 810.510 người, giảm 6.240 người so với cuối năm 2021. Riêng đối với bảo hiểm y tế, từ tháng 1/2022 giảm 9.087 người tham gia tại Quảng Bình do không tiếp tục được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 100% vì không được công nhận là các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Một trong các nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Dũng, là do việc tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, đối với BHXH tự nguyện, từ tháng 1/2022, mức đóng tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, do mức đóng tăng gấp đôi, từ trên 150.000 đồng lên trên 300.000 đồng.
|
Cán bộ Chi hội phụ nữ xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vận động tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu.
|
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển BHXH tự nguyện
Thời gian qua, BHXH Quảng Bình đã kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, ứng dụng hệ thống phần mềm liên thông để giải quyết tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan BHXH; giao dịch điện tử; triển khai giám định và thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông từ y tế xã. Tới nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 262.300 người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số (đạt gần 36% tổng số người tham gia BHXH, BHYT).
Cũng trong thời gian qua, BHXH Quảng Bình cũng tập trung mọi nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Kết quả, đã tạm dừng đóng BHXH cho 92 đơn vị sử dụng lao động với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng; xác nhận cho trên 7.300 lao động để được hỗ trợ từ ngân sách; giảm đóng BHTN trên 22 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trên địa bàn; chi hỗ trợ hơn 117 tỷ đồng với hơn 46.800 lao động từ quỹ BHTN; xác nhận về tham gia BHXH cho 5 người lao động tại 2 đơn vị để hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ…
Đại diện BHXH Quảng Bình cho biết thêm, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt liên quan tới phát triển người tham gia và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, thanh kiểm tra, chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin…/.