Rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Thứ tư, 20/04/2022 15:52
(ĐCSVN)- Trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 200.000 lượt người đã rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng xuống để giải quyết khó khăn trước mắt. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 200.000 người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần (tăng 1% so với cùng kỳ năm trước). Giai đoạn 2016-2021, đã có hơn 4,59 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Mỗi năm, trung bình có gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Theo đó, cứ 2 người mới tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội thì có 1 người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bên cạnh đó, có tới 97% người chọn rút bảo hiểm xã hội một lần là người lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi.

Người dân tại TP.Hồ Chí Minh làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức.

(Ảnh: Duyên Phan)

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn đã thực hiện khảo sát trong tháng 3/2022 với khoảng 1.500 người lao động. Kết quả cho thấy, hơn 13% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống; hơn 56% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Và 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ.

Dịch bệnh COVID-19 hoành hành hơn 2 năm qua, nhiều người lao động (NLĐ) mất việc làm dẫn đến không có thu nhập, đa số NLĐ chọn hưởng BHXH một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống, một số NLĐ khác lựa chọn nhận vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu so với nhận BHXH một lần cũng như tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH.

Điều này đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội. Không có nguồn thu nhập hàng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống. Không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già…

Nhiều thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo tính toán của ngành Bảo hiểm xã hội, nếu một người lao động có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (từ năm 2001-2020). Với mức tiền lương bình quân đóng là 4 triệu đồng/tháng. Người này đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2022 thì nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người này sẽ được 134 triệu đồng đối với cả lao động nam và lao động nữ.

Tuy nhiên, nếu để nhận lương hưu thì lao động nam (với tuổi thọ trung bình là 71 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 257 triệu đồng. Nhiều hơn hơn 123 triệu đồng so với nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với lao động nữ (với tuổi thọ trung bình là 76,3 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 589 triệu đồng, nhiều hơn hơn 455 triệu đồng so với nhận bảo hiểm xã hội một lần.

 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động không những được hưởng chế độ lương hưu khi về già mà còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khuyến nghị, người lao động không chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Có quyền bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiếm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ BHYT (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần là giải pháp tình thế, nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho người lao động, bởi họ sẽ sống như thế nào nếu không có nguồn thu nhập cơ bản và thường xuyên khi về già. Thêm vào đó, tình trạng này sẽ khiến Việt Nam không thể thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Thời gian tới, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này, sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ./.

 

 

 

Diệp Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực