Sẽ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội

Thứ sáu, 13/11/2020 16:19
(ĐCSVN) - Dự kiến năm 2021, Chính phủ sẽ xem xét, trình Quốc hội hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2012; thời gian trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.
 Ảnh minh họa: ĐH

Vừa qua, cử tri có kiến nghị gửi Ban Dân nguyện của Quốc hội về việc đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); thực hiện khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, BHXH tự nguyện; rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ bỏ trốn... làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Trả lời về những kiến nghị này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh thanh tra tại các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Từ năm 2018 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra tại 375 đơn vị, trong đó chủ yếu là đơn vị chậm đóng BHXH. Qua thanh tra, đã ban hành 1.265 kiến nghị, 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BHXH, với tổng số tiền xử phạt 5,14 tỷ đồng.

Năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và BHXH Việt Nam mở chiến dịch thanh tra về BHXH, nhằm nâng cao sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật BHXH cho người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, nên chiến dịch này tạm thời dừng lại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, mà tập trung thanh tra diện rộng việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động tại các công trình xây dựng, thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Về vấn đề khởi kiện ra tòa án đối với doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận về BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định: Tổ chức Công đoàn khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này chưa cao. Do đó, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi quy định theo hướng giao cơ quan BHXH các cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức Công đoàn thực hiện việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHXH.

Về việc rà soát, thống kê số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 26.792 đơn vị, doanh nghiệp chậm nộp không còn khả năng thu hồi (doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn) với tổng số tiền trên 3.082 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chế độ của 81.845 người lao động.

Về sửa đổi Luật BHXH, theo Bộ LĐ-TB&XH, việc sửa đổi Luật BHXH lần này đặt ra yêu cầu rất cao, cải cách toàn diện, hoàn toàn khác so với hai lần trước, đó là sự kết hợp đồng thời của 3 việc: Tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; phù hợp với các cam kết quốc tế, trong đó có việc đảm bảo quyền an sinh xã hội cho lao động di cư thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH giữa các nước.

Để Luật mới có tuổi thọ dài, khắc phục hầu hết những bất cập thời gian qua, tiệm cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, Chính phủ đã rất thận trọng, yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH và các bộ có liên quan trong 3 năm (2018-2020) nghiên cứu hoàn thiện 15 đề án, dự án nhằm cụ thể hóa các nội dung cải cách theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, có những vấn đề Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thí điểm như: Xây dựng gói BHXH ngắn hạn linh hoạt; nghiên cứu có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ BHXH thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 125/NQ-CP đã xác định lộ trình trình Quốc hội Luật BHXH sửa đổi vào năm 2021-2022. Tuy nhiên, Bộ đã rất chủ động triển khai các việc như: Tổng kết, đánh giá Luật BHXH; nghiên cứu các đề án, dự án nhằm thể chế hóa các nội dung cải cách; nghiên cứu xây dựng các dự án luật.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến năm 2021, Chính phủ sẽ xem xét, trình Quốc hội hồ  sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2012; thời gian trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào cuối năm 2022, đầu năm 2023./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực