Tham gia bảo hiểm y tế HSSV mức phí nhỏ song đem lại nhiều lợi ích lớn

Thứ năm, 07/09/2023 16:03
(ĐCSVN)- Trong lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) được đặc biệt quan tâm và tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.
 Mức đóng bảo hiểm y tế của HSSV là hơn 680 nghìn đồng/năm, tương đương mức tăng khoảng 117 nghìn đồng mỗi học sinh. Ảnh: ITN

Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng. Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh sinh viên (HSSV) là hơn 680 nghìn đồng/năm, tương đương mức tăng khoảng 117 nghìn đồng mỗi học sinh, sau khi đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, HSSV tự đóng 70%.

HSSV có thể lựa chọn các mức đóng 3 tháng/6 tháng/9 tháng và 12 tháng. Như vậy, so với mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở cũ 1.490.000 đồng, mức đóng từ ngày 1/7/2023 tăng 117.180 đồng/năm.

Trong những năm qua, việc triển khai công tác BHYT HSSV đã có nhiều kết quả tích cực. Riêng trong năm học 2021-2022, cả nước có khoảng 18,8 triệu em tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96% tổng số HSSV.

Ngoài chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT tới 30% từ ngân sách nhà nước, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023, một số địa phương đã tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT HSSV từ ngân sách địa phương. Do đó, số tiền thực đóng BHYT của mỗi HSSV tiếp tục được giảm. Từ ngày 1/7/2023, quyết định về tăng lương cơ sở Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Vì vậy, mức đóng BHYT HSSV có sự thay đổi.

 Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV. Ảnh: ITN

Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV

HSSV tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh (KCB), mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng. Chính vì những lợi ích và giá trị nhân văn này, chính sách BHYT HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống với sự chủ động, tích cực tham gia từ phía HSSV và phụ huynh.

Thực tế cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải điều trị dài ngày, nhiều đợt (như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch,…) với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.

Qua đó, nhờ có tấm thẻ BHYT, nhiều HSSV và gia đình chủ động về chi phí KCB, vơi đi gánh nặng tài chính giữa lúc khó khăn khi không may bị ốm đau, bệnh tật, để HSSV yên tâm chữa bệnh, điều trị sớm quay lại môi trường cuộc sống và học tập bình thường.

Đáng chú ý, trong khi Luật BHYT chưa có quy định chi tiết cho y tế dự phòng nhưng nhóm HSSV đã gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nhà trường. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các trường học hiện đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…).

Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trường học không chỉ giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống… mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Việc tham gia BHYT có mức phí nhỏ song đem lại rất nhiều lợi ích lớn, qua đó góp phần khẳng định sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn, tính ưu việt, hấp dẫn của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ./.

 

Thảo Đan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực