Thu hút người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở

Thứ hai, 29/05/2023 16:47
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) đề nghị phải có cơ chế, chính sách rõ ràng để tăng tỷ lệ chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, thu hút người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ)  

Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị như trên tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29/5 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu đánh giá, trong những năm qua hệ thống y tế cơ sở ở nước ta đã được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đến năm 2022 có 100% đơn vị cấp huyện trong cả nước đã có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có Trạm y tế, trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 97,3%, trạm y tế đạt chuẩn về y tế, y tế thôn, bản, tổ dân phố hoạt động ngày càng có hiệu quả. 

Song qua giám sát thực tế ở các địa phương cho thấy, y tế cơ sở còn nhiều tồn tại, mô hình tổ chức bộ máy y tế còn thiếu tính ổn định, chưa thống nhất trong cả nước, cơ sở vật chất còn khó khăn, vẫn còn 22,1% số trạm y tế xã chưa đầu tư kiên cố, vào khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo và xây dựng mới. Số nhân lực y tế ở cơ sở thấp hơn so với định mức biên chế theo quy định, thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại Trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ chi cho y tế cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống còn 23,1% năm 2019.

Năm 2022 tỷ trọng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở chỉ đạt 34,5%, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%.

"Như vậy, chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là tuyến xã không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều người dân chưa tin tưởng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở nên thường phải chuyển lên tuyến trên và thực tế là không đủ năng lực ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra" - đại biểu nói.

Theo đại biểu nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, trong đó, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe đòi hỏi phải có những quyết sách quyết liệt, hiệu quả đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở. 

Trong đó đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời có giải pháp bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở, nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở để đủ điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Đại biểu cũng đề nghị có cơ chế, chính sách rõ ràng để tăng tỷ lệ chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế để thu hút người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở.

Góp ý về y tế dự phòng, đại biểu đánh giá công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được kiềm chế và đẩy lùi, đã tự chủ sản xuất được 9/11 loại vaccine dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Song, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, y tế dự phòng chỉ thực sự được quan tâm từ khi dịch COVID-19 xuất điện từ năm 2020 đến năm 2022. Nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên kinh phí đầu tư hiện đại hệ thống y tế dự phòng là rất khó khăn. 

“Giai đoạn 2018-2022 tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng” - đại biểu nói. Cụ thể, năm 2018 mới đạt 20,32% và năm 2022 đạt 28,62% nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy mà tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine giảm liên tiếp, từ 94,8% năm 2018 xuống còn 80,4% năm 2022. 

Đại biểu nhấn mạnh nếu chúng ta không quan tâm đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả, đại biểu đề nghị, tăng cường bảo đảm nguồn kinh phí cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách, cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng.

Mặt khác, đại biểu đề nghị trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở nền tảng./.

MD

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực