Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thứ hai, 03/08/2020 13:42 (GMT+7)
(ĐCSVN)- Thưa quý vị! Phát triển bảo hiểm xã hội sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để giúp cho người dân hiểu được những lợi ích thiết thực, dài lâu, cũng như tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, không thể không nhắc đến vai trò của những tuyên truyền viên- những người làm cầu nối để chính sách đến gần hơn với người dân.
Đây là một buổi xuống tận địa bàn, gặp từng người dân để tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của các cán bộ bảo hiểm và cán bộ bưu điện tại huyện Văn Lâm, tỉnh Lạng Sơn. Chị Nguyễn Thị Hòe đã làm công tác này được gần 6 năm, cũng đã không ít lần bị người lao động từ chối tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chưa một lần chị nản chí. Theo chị, quan trọng nhất của một người tuyên truyền viên chính là làm cầu nối để người dân hiểu được ý nghĩa nhân văn và dài lâu khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Thông thường, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phát triển tăng thêm khoảng từ 5-6% so với năm trước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), năm nay, do tác động của dịch COVID- 19, tính đến ngày 30/4/2020, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,4 triệu người, giảm so với tháng 3 và so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng sẽ khó đạt được mức tăng như năm 2019. Do vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm xã hội tự nguyện càng cần phải được chú trọng với tinh thần nhận thức đầy đủ để thay đổi hành vi.
Theo ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định 1676 đề án tuyên truyền nêu rõ tháng 5 hàng năm là tháng vận động tuyên truyền BHXH toàn dân. Mục tiêu là đến năm 2021 thì phải đạt 25% lao động tham gia BHXH và 1% tham gia BHXH tự nguyện, đến 2025 phải phát triển 45% và đến 2030 là 60%. Để đạt được mục tiêu từ nay đến 2020 tôi nghĩ rằng việc tuyên truyền phổ biến, người dân tự nhận thức tự hiểu biết được tham gia BHXH.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động do tác động của dịch Covid 19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp cùng các đơn vị bộ ngành, triển khai nhiều giải pháp, giúp doanh nghiệp vượt khó cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ như: Thực hiện chi trả tại nhà, chi trả gộp thời gian; đẩy mạnh giao dịch điện tử, qua hệ thống bưu chính hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp…/.
BTV