Đây là vấn đề được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộ năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Ảnh: Phạm Thắng) |
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Cơ quan thẩm tra đánh giá các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục phát triển toàn diện hơn. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản công bằng, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022 giảm khoảng 1% so với cuối năm 2021. Năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội được nâng cao.
Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 38%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31%. Thực hiện tốt công tác dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 92% dân số.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, công tác an sinh xã hội cần được quan tâm hơn. Theo đó, đề nghị bổ sung đánh giá việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là những tổn thương do dịch COVID-19 gây ra cũng như các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (thiếu quỹ đất; tiếp cận vốn khó khăn, nhất là với các nguồn vốn ưu đãi; quy trình thủ tục rườm rà, kéo dài…).
Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế chỉ ra, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, có tình trạng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022, ước tính đến 30/9/2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ đạt 87,42% dân số, để hoàn thành được chỉ tiêu về bảo hiểm y tế, cần một sự quyết tâm rất lớn từ Chính phủ.
“Đây là nhiệm vụ và là vấn đề cấp bách cần quan tâm vì sau hơn 02 năm diễn ra đại dịch COVID-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng rất cao. Việc không có bảo hiểm y tế sẽ khiến nhiều người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần; tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về bảo hiểm xã hội tiếp tục không có nhiều cải thiện, nhất là với nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo thống kê, tình hình chậm đóng, trốn đóng như sau: Năm 2018 tổng tiền là 7.308 tỷ đồng, năm 2019 tổng tiền là 7.480 tỷ đồng, năm 2020 là 9.221 tỷ đồng, năm 2021 là 10.233 tỷ đồng.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ hơn tình trạng chậm thanh toán bổ sung chi phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế từ năm 2018 đến nay chưa được giải quyết kịp thời./.