Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân

Thứ tư, 01/07/2020 09:00
(ĐCSVN) - Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 1/7 hàng năm là ngày BHYT Việt Nam, với mục tiêu phát triển hệ thống y tế vững mạnh, rộng lớn, là nền tảng nhằm bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2025. Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định và phát huy vai trò, ý nghĩa là điểm tựa vững chắc cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế; tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân.

Ngay từ những ngày đầu khi Chính phủ bắt đầu triển khai các giải pháp phòng chống, ứng phó với dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Y tế xác định cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế với tinh thần để người dân được tạo thuận lợi nhất khi đến khám chữa bệnh.

Tính đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%. Từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Đáng lưu ý, diện bao phủ bảo hiểm y tế đã tập trung vào các nhóm yếu thế, cho thấy người dân ngày càng nhận thức đầy đủ và tin tưởng hơn vào chính sách này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ: “BHYT có bước thay đổi có tính cách mạng. Tôi nhớ  5 năm trước là tỉ lệ bao phủ BHYT Việt Nam là dưới 70%. Và bây giờ sau 5 năm thì chúng ta đạt xấp xỉ 90%, đây là một kết quả rất đáng trân trọng của công nhân viên ngành bảo hiểm xã hội. Ngành BHXH cũng đã tham gia với Bộ LĐTB&XH và các cơ quan để tham gia đề án đổi mới, cải cách về BHXH. Tới đây, chúng ta tập trung làm BHXH sao cho chính sách BHXH là một chính sách vô cùng quan trọng của an sinh và từ đấy giúp ổn định xã hội và có một bước tiến như bảo hiểm y tế.

 

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách Bảo hiểm y tế tốt nhất thế giới. Mệnh giá thẻ Bảo hiểm y tế hiện nay mới chỉ ở mức bình quân từ 30 đến 40 USD/người, trong khi danh mục thuốc bảo hiểm y tế của Việt Nam có hơn 1.000 loại, rộng hơn rất nhiều nước (các nước trung bình có khoảng 700 loại). Cùng với đó là hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật với rất nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Do đó, mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số như Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Ông Kidong Park- Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cải cách hệ thống y tế bao gồm cả hệ thống bảo hiểm y tế xã hội, theo hướng bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhằm cải thiện hơn nữa mức độ bảo vệ rủi ro tài chính của hệ thống Bảo hiểm, tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây và người cao tuổi, ngay tại cộng đồng nơi họ sinh sống.

Định hướng của Chính phủ trong đổi mới tài chính y tế hiện nay là thực hiện chuyển dần từ hỗ trợ cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ trực tiếp người dân, thông qua việc tăng mức hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, đưa bảo hiểm y tế thành nguồn chi chủ yếu trong cơ cấu chi phí chăm sóc y tế. Việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền vững./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực