Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đưa ra tại phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021 của Thường trực Ủy ban Xã hội mới đây.
|
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong năm 2021, do đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và lan rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 từ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Ban hành chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động; chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp; chính sách đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng duy trì việc làm cho người lao động.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, số người tham gia, số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc có tăng lên so với năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục gia tăng, vượt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
“Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19 nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực, quyết tâm trong việc trình Quốc hội ban hành Nghị định số 108/2021 điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/2022”, ông cho biết.
Dù đạt nhiều kết quả, song theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn dưới mức tiềm năng, tốc độ gia tăng năm sau so với năm trước còn chậm, đặc biệt đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, đồng thời cũng gây khó khăn trong việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã tiếp tục được mở rộng, luôn đạt kế hoạch, song đối tượng tham gia bền vững bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đạt yêu cầu, dự kiến rất khó đạt được chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn 2025- 2030. Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện vượt xa chỉ tiêu năm 2021 và đạt mục tiêu đến năm 2025, đây là kết quả đột phá, rất khả quan, cần tổng kết kinh nghiệm, đánh giá kỹ để rút ra bài học về cách làm hay, nhân rộng cho các công tác khác.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho biết, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn diễn ra khá phổ biến, chưa được giải quyết dứt điểm. Năm 2021, vấn đề vướng mắc trong hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà về cơ bản đã được tháo gỡ, song vẫn còn một bộ phận người lao động đã điều trị, cách ly do COVID-19 tại nhà nhưng chưa có giấy tờ theo đúng quy định để giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội./.