Phần thiệt luôn là người lao động
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gần đây đã xuất hiện tình trạng người lao động (NLĐ) mang sổ BHXH đi cầm cố, bán tại một số KCN phía Nam.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng- Quyền trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, hiện tượng thu mua, cầm cố, thế chấp sổ BHXH, thậm chí bán đứt sổ BHXH để chi tiêu khi khó khăn không phải bây giờ mới xuất hiện, song những ngày gần đây trên không gian mạng đã xuất hiện rất nhiều thông tin thu mua sổ BHXH của NLĐ. Đây là hành vi trục lợi, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NLĐ do tác động của đại dịch Covid-19 bởi những đối tượng thu gom biết rằng do dịch bệnh đã làm rất nhiều NLĐ mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống hết sức khó khăn và những đối tượng đó đã lợi dụng tình trạng này để làm dịch vụ thu gom sổ BHXH của NLĐ nhằm mục đích kiếm lợi.
“Trước những hành vi này, chúng tôi rất buồn và chúng tôi kịch liệt lên án” – ông nói.
Theo ông, thu mua sổ BHXH chính là mua quyền được hưởng BHXH 1 lần của NLĐ. Việc bán sổ BHXH thông qua hình thức uỷ quyền người mua sẽ nhận tiền BHXH 1 lần dẫn đến toàn bộ quá trình đóng BHXH của NLĐ bị mất. Đây là một thiệt thòi cho NLĐ cũng như là một biến chướng của nạn cho vay lãi suất cao, phần thiệt luôn là NLĐ.
Hơn nữa, ông người lao động cũng là mất đi cơ hội được hưởng chế độ hưu trí- một bảo đảm cho tuổi già khi không có sức lao động, không có thu nhập và dễ trở thành gánh nặng cho xã hội, gia đình.
“Xét về mặt kinh tế nếu tính toán nhận BHXH 1 lần, dù nhận đầy đủ cũng đã có những thiệt thòi chứ chưa nói bán cho người thu mua, mua gom sổ BHXH bởi mức đóng 22% vào quỹ hưu trí tử tuất, tức 1 năm chúng ta đóng vào quỹ này bằng 2,6 tháng lương nhưng khi chúng ta nhận cũng chỉ được 2 tháng lương. Như vậy, chúng ta đã thiệt 0,6 tháng lương, chưa nói về chính sách hưu trí, còn gắn với chính sách BHYT và một số chính sách khác nữa” – ông phân tích.
Trước ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay dịch COVID-19 gây khó khăn, NLĐ phải thôi việc thì giải quyết như thế nào? Với những trường hợp này, ông khuyên NLĐ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, nếu không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cũng thuộc đối tượng hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành. Như vậy, trước mắt người lao động nhìn vào đó để vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục tham gia vào quan hệ lao động để tham gia BHXH và được đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
Phải xử lý mạnh
Theo quy định tại Điều 96 Luật BHXH, sổ BHXH được cấp cho từng NLĐ để theo dõi việc đóng hưởng các chế độ BHXH, là cơ sở giải quyết các chế độ theo quy định của pháp luật. Sổ BHXH bị mất, bị rách, bị hỏng được cơ quan BHXH cấp lại. Còn Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Ông Lê Đình Quảng khẳng định, sổ BHXH không phải là giấy tờ có giá, cũng không phải là quyền tài sản, là vật nhưng vật này không tương ứng với giá trị mà là số tiền người tham gia đóng BHXH có thể được hưởng khi có sự kiện xảy ra. Như vậy, sổ BHXH không được phép tham gia giao dịch hoặc có tham gia giao dịch thì pháp luật cũng không thừa nhận giao dịch đó là hợp pháp và khi có tranh chấp khiếu kiện thì pháp luật cũng không bảo vệ. Nếu trong trường hợp có tẩy xoá thông tin trên sổ BHXH thì hành vi đó sẽ bị xử hạt hành chính. Theo điều 27 Nghị định 28/2015 có thể bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, còn làm giả hoặc sai lệch hồ sơ BHXH để lừa dối cơ quan BHXH thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt có thể bằng tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Như vậy, các quy định của pháp luật đã đầy đủ nhưng thực tiễn việc xử lý các hành vi liên quan đến thu gom sổ BHXH chưa thực hiện được nhiều. Do vậu, thời gian tới cần phải làm mạnh hơn nữa việc xử lý những hành vi trục lợi, thu gom mua sổ BHXH.
Hiện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang có nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền các chế độ chính sách về BHXH cho NLĐ biết, từ biết NLĐ sẽ hành xử phù hợp với điều kiện của mình để không vì kém hiểu biết mà gây thiệt hại cho mình.
Ông cho hay: “Chúng tôi cũng đang tham gia cùng với các cơ quan làm tốt chức năng chăm lo bảo vệ NLĐ, đặc biệt để NLĐ có khoản tiền lương thu nhập đảm bảo cuộc sống. Khi bị tác động bởi COVID-19, bên cạnh tham gia các chính sách với nhà nước để hỗ trợ NLĐ thì bản thân tổ chức công đoàn cũng có nhiều giải pháp để chăm lo bảo vệ NLĐ. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật để các chính sách thật hấp dẫn, tạo niềm tin cho NLĐ…”./.