Đảng lãnh đạo báo chí - báo chí bảo vệ Đảng là hai nhiệm vụ tất yếu, khách quan

Chủ nhật, 21/11/2021 08:18
(ĐCSVN) - Nền báo chí các mạng Việt Nam chịu sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo báo chí và báo chí bảo vệ Đảng, trong đó có bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là hai nhiệm vụ tất yếu, khách quan.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối và xuyên suốt đối với báo chí

Cũng như bao chính đảng và đảng cách mạng khác trên thế giới, lịch sử ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với báo chí. Nói cách khác, báo chí đã trở thành công cụ đắc lực của Đảng để phát động tinh thần yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong các lực lượng cách mạng; đồng thời báo chí cũng trở thành một trong những vũ khí sắc bén của các lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị lãnh đạo tiền bối của Đảng chính là hiện thân điển hình trong việc sử dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả báo chí như một trong những công cụ chủ lực trong các cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là dấu mốc ra đời của tờ “Thanh Niên” (ngày 21/6/1925) với người sáng lập là nhà báo vô sản Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của tờ “Thanh niên” đã khởi đầu cho sự ra đời và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

leftcenterrightdel
Báo chí cách mạng Việt Nam trải qua 96 năm đồng hành cùng dân tộc. Ảnh minh họa

Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “tờ báo là tờ hịch cách mạng”[1]. Tiếp đó, Người đã chỉ ra rằng: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Vì vậy, suy cho cùng, tất cả những nhiệm vụ cách mạng cũng đều là nhiệm vụ của báo chí, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh, quốc phòng, quan hệ quốc tế.

Để báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy vai trò, tác dụng, giữ vững tôn chỉ, mục đích, góp phần đắc lực trong các cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí; đồng thời luôn bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối và xuyên suốt đối với báo chí.

Việc lãnh đạo của Đảng đối với báo chí được thể hiện qua một số đặc điểm:

- Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với công tác định hướng quy hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí, truyền thông.

- Lãnh đạo toàn diện về công tác tổ chức, cán bộ và hệ thống tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan báo chí, truyền thông.

- Định hướng tư tưởng, chính trị nội dung thông tin và hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông.

- Lãnh đạo, chỉ đạo và ủy quyền cho bên chính quyền thực hiện công các quản lý nhà nước theo ngành dọc và theo lãnh thổ nhằm kiểm tra, đôn đốc, giám sát các cơ quan báo chí, truyền thông từ Trung ương đến các địa phương thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng nhiệm vụ được giao và tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan.

- Thường xuyên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

- Chỉ đạo công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế và luật pháp đối với hoạt động báo chí, truyền thông…

Theo thống kê của Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), chỉ tính riêng trong 30 năm đổi mới (1996 - 2016), Đảng ta đã ban hành 48 nghị quyết, kết luận, chỉ thị về lĩnh vực báo chí - xuất bản. Trong đó, riêng lĩnh vực báo chí, truyền thông là 22 văn bản.

Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cũng đã ban hành 35 văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, điều chỉnh pháp luật đối với lĩnh vực báo chí - xuất bản. Trong đó, riêng lĩnh vực báo chí, truyền thông là 21 văn bản.

Mới đây nhất, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục chỉ đạo: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại”[2].

Báo chí bảo vệ Đảng là nhiệm vụ tất yếu, khách quan

Trong 96 năm qua kể từ khi ra đời tờ báo “Thanh Niên”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống báo chí, truyền thông nước ta đã phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, phương tiện, kỹ thuật - công nghệ, đội ngũ, trình độ. Báo chí, truyền thông ngày càng có khả năng tác động và ảnh hưởng sâu, rộng tới xã hội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 859 tờ báo, tạp chí in, trong đó có 199 báo, 660 tạp chí; 135 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, 01 đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương, với tổng số hơn 268 kênh (86 kênh phát thanh và 142 kênh truyền hình). Các trang mạng xã hội và truyền thông xã hội trên môi trường Internet phát triển rất nhanh chóng. Cả nước có 125 cơ quan báo chí điện tử, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp; 270 mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Có gần 59 triệu người sử dụng internet, chiếm 62,7% dân số (Việt Nam xếp thứ 8 ở châu Á và thứ 18 trong số 20 quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet cao của thế giới).

Một trong những chức năng căn bản của báo chí, truyền thông là phải bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc hoàn toàn trùng khít với mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đó là “xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công Chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là Chủ nghĩa Cộng sản. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”[3].

Báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và xuyên suốt. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí cách mạng Việt Nam là bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó bao gồm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - là nhiệm vụ tất yếu khách quan.

Do vậy, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam là vừa phải tuyên truyền, phổ biến mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng; vừa phải ra sức đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch muốn chống lại hoặc làm sai lệch mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ này chính là tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiệm vụ chung ấy, thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là quan trọng hàng đầu. Nền tảng tư tưởng của Đảng chính là hệ thống lý luận và là cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng Đảng, về nguyên tắc hoạt động của Đảng, về định hướng phát triển của Đảng, về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng...

Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một giá trị quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người hoạt động báo chí, truyền thông; quyền tự do tiếp cận thông tin; quyền tự do cá nhân và các tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước báo chí, truyền thông. Điều 25 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Tuy nhiên, quyền tự do báo chí không tách rời trách nhiệm chính trị - xã hội, trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp của cơ quan báo chí và nhà báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó của Người tiếp tục được quán triệt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về báo chí, truyền thông. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Ở Việt Nam, báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.

Báo chí cần tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các cơ quan báo chí được thể hiện ở một số mặt như sau:

Thứ nhất, báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ hệ thống lý luận và cơ sở khoa học, thực tiễn về xây dựng Đảng, về nguyên tắc hoạt động của Đảng, về định hướng phát triển của Đảng, về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (viết năm 1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[4].  

Nhiệm vụ của báo chí là tuyên truyền sâu rộng để nền tảng tư tưởng của Đảng đi vào đời sống một cách chủ động, thuyết phục, nhằm làm cho đảng viên và quần chúng nhân dân nắm và hiểu rõ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khi đã hiểu rõ thì đảng viên sẽ kiên định với chủ nghĩa của Đảng, không nao núng, lay động trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Khi đã hiểu rõ thì quần chúng nhân dân sẽ tin tưởng và tự nguyện đi theo, làm theo đường lối lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, đối với các cơ quan báo chí, truyền thông, trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là phải nghiêm chỉnh tuân thủ đúng Luật Báo chí (năm 2016) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội. Làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân.

Đồng thời tuyệt đối không được vi phạm vào 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 của Luật Báo chí (năm 2016), trong đó đáng chú ý các hành vi: Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân. Gây chia rẽ giữa các tầng lớp Nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Thứ ba, với trọng trách “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, bản thân đội ngũ phóng viên, nhà báo, người làm công tác truyền thông trong quá trình hoạt động nghiệp vụ phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định tại Điều 25, Luật Báo chí (năm 2016), trong đó đáng chú ý: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân. Phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực. Đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.

Nghiêm chỉnh thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo chí, truyền thông khi chấp hành nghiêm chỉnh những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ nêu trên chính là đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ tư, báo chí cần triệt để chống biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, “thương mại hóa” và cổ súy cho tư tưởng “tự do báo chí” thái quá.

Hiện nay, đã và đang có hiện tượng một số cơ quan báo chí do thực hiện cơ chế tự chủ về kinh tế báo chí nên có nhiều dấu hiệu xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa” thông tin báo chí, đưa tin, bài “giật gân”, “câu khách” với những nội dung nhảm nhí, rẻ tiền, đáp ứng thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.

Nhiều tờ báo điện tử do áp lực cạnh tranh thông tin nên đã để mạng xã hội chi phối, dẫn dắt thông tin. Phóng viên không kịp có mặt tại hiện tường, tại sự kiện nên đã lạm dụng mô hình “báo chí công dân - citizen journalism” để khai thác thông tin trên mạng xã hội làm tin, bài, ảnh mà thiếu sự kiểm chứng.

Nhiều tờ tạp chí điện tử đã bị “báo hóa”; nhiều trang mạng xã hội cũng bị “báo hóa”; nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng lại tự sản xuất tin, bài, hoạt động như một tờ báo điện tử dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật, bị cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí truyền thông xử phạt.

Gần đây có xu hướng đẩy mạnh tự chủ về kinh tế báo chí, “xã hội hóa hoạt động báo chí, truyền thông”, nên nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử đã “bán đất”, “khoán nội dung”, “khoán thời lượng”, “khoán thu - chi”… cho các đơn vị truyền thông tư nhân tự thực hiện sản xuất nội dung chương trình, mà thiếu sự quản lý, giám sát, biên tập của cơ quan báo chí chủ quản nên đã xảy ra một số sai phạm đáng tiếc.

Trong Hiến pháp năm 2013 của nước ta và Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể về quyền “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có một số tờ báo, một số phóng viên, nhà báo xuất hiện tư tưởng cổ súy cho “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, “tự do lập hội” thái quá theo kiểu phương Tây mà quên rằng ở chính các nước phương Tây mặc dù đề cao “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, “tự do lập hội” nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật nước sở tại và không được đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc của chính quốc gia đó. Thậm chí, đối với các văn phòng đại diện cơ quan báo chí quốc tế hoặc của quốc gia khác đặt trên lãnh thổ nước sở tại nhưng lợi dụng “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để tuyên truyền đi ngược lại lợi ích của quốc gia sở tại thì vẫn bị xử lý. Vì vậy, dù ở chính các nước phương Tây hay ở những nước được cho là có nền dân chủ tiên tiến thì vẫn có những đạo luật, những quy định, những “vùng cấm” để giới hạn “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “tự do lập hội” nhằm đạt được mục đích tối thượng, đó là bảo đảm sự lãnh đạo của chính đảng cầm quyền, bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc./.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 13, Nxb. CTQGST, trang 463, Hà Nội - năm 2011

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 146, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội năm 2021.

[3] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trang 4-5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011.

[4] “Đường Kách mệnh”, Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 2, Nxb, CTQGST, trang 277, Hà Nội, năm 2011

Thạc sĩ Trần Hồng Quỳnh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực