Theo nghề giáo là phải giúp học sinh được nâng cao kiến thức, phát huy năng lực

Thứ ba, 19/11/2024 16:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hơn 5 năm là giáo viên giảng dạy phân môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội ở một trong những ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cô Khà Thị Tình luôn tâm niệm đã chọn theo nghề giáo là phải giúp đỡ học sinh được nâng cao kiến thức, phát huy năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, được hoạt động ngoài giờ lên lớp và trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập chỉ dựa vào 2 sào ruộng ông bà để lại, cô Tình từng trải qua tuổi thơ vất vả, thiếu thốn, như lời cha của cô là mơ ước có một bát cơm trắng ăn cho khỏi thèm cũng chưa bao giờ có! Thế nhưng, chính sự khó khăn ấy đã giúp cô có thêm động lực vươn lên, biến ước mơ trở thành cô giáo thành hiện thực. 

Cô Khà Thị Tình (thứ tư từ phải qua) tại lễ trao giải Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Cố gắng suốt 12 năm không bỏ học rồi thi đậu vào Trường Nghệ thuật Tây Bắc Hòa Bình, sau khi tốt nghiệp, cô Tình trở thành giáo viên dạy nhạc. "Ngày đầu đi làm đó là năm 1999, khi còn là giáo viên hợp đồng với đồng lương vỏn vẹn 230.000/tháng nhưng với mong muốn tất cả học sinh đến trường đều được học Âm nhạc, tôi tự nhủ phải cố gắng bám trụ, theo nghề đến cùng!", cô giáo trẻ lúc đó mới ở tuổi 22 chia sẻ. 

Là giáo viên giảng dạy phân môn Âm nhạc và kiêm Tổng phụ trách Đội Trường TH&THCS Ba Khan suốt thời gian dài, cô Tình cho biết, đây là một trong những trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Đường đến trường của cô và trò đầy gian nan vì thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, nhất là vào những ngày đông lạnh giá, suốt chặng đường là sương mù bao phủ tầm nhìn hạn chế, chân tay thì tê buốt, mắt căng lên cay sè…

"Thử thách là thế nhưng chưa bao giờ làm cho tôi chùn lòng, nhụt chí. Tôi luôn tâm niệm đã chọn theo nghề giáo là phải giúp đỡ học sinh được nâng cao kiến thức, phát huy năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, được hoạt động ngoài giờ lên lớp và trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa do Tổng phụ trách đội định hướng, phối hợp tổ chức cũng như tạo nhiều cơ hội cho các em được tham gia học hỏi qua các cuộc thi do các cấp tổ chức để học sinh luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui", cô Tình bày tỏ.

Và năm học 2023-2024 vừa qua, hưởng ứng Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, cô Tình coi đây là cơ hội để học sinh trải nghiệm nâng cao nhận thức. Cô đã tổ chức những buổi truyền thông, giúp các em hiểu về bình đẳng giới và cách phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường từ đó các em đã mạnh dạn tham gia, thể hiện suy nghĩ trong sản phẩm của mình. 

Tác phẩm “Bữa cơm gia đình” của Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường TH&THCS Ba Khan đã đoạt giải Ba cấp tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023” 

"Rất tự hào tác phẩm “Bữa cơm gia đình” của Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường TH&THCS Ba Khan đã đoạt giải Ba cấp tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia. Thông điệp của bức tranh như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sức mạnh của tình yêu thương trong mỗi gia đình. Cảnh quây quần bên mâm cơm không chỉ là những bữa ăn đơn giản, mà đó là khoảnh khắc quý giá, nơi mọi người chia sẻ vui buồn, sự quan tâm, chăm sóc và gắn kết yêu thương. Mỗi ánh mắt, nụ cười trong bức tranh đều thể hiện sự ấm áp và tình cảm chân thành, khẳng định rằng gia đình là nơi tình yêu luôn hiện hữu, dù là trong những điều giản dị nhất. Bức tranh như một lời nhắc nhở rằng, những khoảnh khắc bên nhau, dù là nhỏ bé nhưng đó lại chính là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống", cô Tình nói.

Giờ đây, khi chuyển sang công tác tại ngôi trường mới có điều kiện thuận lợi hơn, không phải đi về quãng đường 70 cây số trong ngày như trước nữa nhưng với cô giáo Tình, quãng thời gian hơn 5 năm công tác tại Trường TH&THCS Ba Khan là quãng thời gian thật đáng nhớ trong đó, câu chuyện về em Đinh Thị Nga là ấn tượng nhất.

"Nga mắc căn bệnh máu trắng hiểm nghèo nhưng vẫn nỗ lực đến trường. Chính học trò khiến cho tôi xóa đi sự ngần ngại đi lại đường xa, tự nhủ sẽ cố gắng để giúp đỡ, động viên những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong học tập và rèn luyện", cô giáo thổ lộ.

Năm học 2018-2019, Nga là học sinh lớp 1 được chuyển từ Mó Rút, một xóm nằm ven con Sông Đà thuộc xã Tân Mai sang Trường Ba Khan thuộc xã Sơn Thủy. Xa bạn bè, chưa thích nghi với môi trường mới, Nga khóc cả tuần lễ. Nhìn cảnh phụ huynh phải vào trường ngồi học cùng con, tôi không khỏi chạnh lòng. Biết Nga đang mắc căn bệnh mà không ai mong muốn, tôi đã quyết định thay phụ huynh cùng em ngồi học, mua quà dỗ dành cô học trò nhỏ. Thế rồi tiếng cười đã dần thay thế cho tiếng khóc lúc nào không hay.

Cô Khà Thị Tình nhận Bằng khen và biểu trưng trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024

Không dừng lại ở đó, lo lắng cho sức khỏe của Nga, cô Khà Thị Tình bắt đầu tìm đến các tổ chức xã hội, các đoàn thiện nguyện. Bằng uy tín và hơn hết là tình thương với học trò, không chỉ đến với riêng em Nga mà lòng hảo tâm của các đoàn thiện nguyện còn đến được với tất cả các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong trường bởi học sinh trong toàn trường có đến trên 80% thuộc gia đình hộ nghèo và cận nghèo.

"Nhìn các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện đến trường giúp đỡ các em học sinh những phần quà rất có ý nghĩa như: quần áo ấm, gạo, xe đạp, chăn, ti vi, tiền mặt... nhờ sự kết nối của mình, tôi vui lắm. Những phần quà đó đến tay các em học sinh tạo động lực cho trẻ vùng cao thích đến trường hơn, học tập tích cực hơn", cô Tình xúc động chia sẻ.

5 năm công tác tại trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, với nỗ lực cố gắng hằng ngày không mệt mỏi của cô Tổng phụ trách Đội và sự hưởng ứng của học sinh, Liên đội Trường TH&THCS Ba Khan có 3 năm được Tỉnh đoàn Hòa Bình tặng Bằng khen.

Cô Khà Thị Tình chính là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc được tuyên dương, nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội LHTN Việt Nam trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do cơ quan này phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.  "Tôi luôn mong học trò của tôi, nhất là học sinh dân tộc thiểu số, miền núi sẽ có tuổi thơ may mắn hơn tôi, hạnh phúc hơn tôi! Tôi tin rằng, mỗi chúng ta, khi đã chọn nghề, yêu nghề và tâm huyết sẽ thành công dù ở bất cứ ngôi trường nào, trong hoàn cảnh nào!", cô Tình khẳng định./. 

Phúc Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực