Cụ thể, ngày 9/8, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hai chủ tài khoản Facebook vì đã 'vô ý chia sẻ' thông tin chưa đúng vụ “bác sĩ Khoa”. Việc xử phạt này được thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” về việc cung cấp thông tin vụ bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ, có nội dung không đúng sự thật trên mạng Internet. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc hai chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin vụ “bác sĩ Khoa” rút ống thở là chưa chính xác nhưng là hành vi vô ý vì thiếu kiểm chứng.
|
|
Thông tin sai sự thật về “bác sĩ Khoa” lan truyền trên facebook. (Ảnh chụp màn hình).
Trước đó, ngày 7/8, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ đẻ cho một sản phụ song sinh đang cần máy thở. Tuy nhiên, ngay sau đó, hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở được xác định là ảnh cũ, chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại Bệnh viện Từ Dũ. Những ảnh này được tài khoản facebook Cao Hữu Thỉnh đăng lên ngày 21/7, không phải ảnh chụp ngày 07/8 như mạng xã hội chia sẻ.
Điều đáng nói là bài viết trên đã được nhiều tài khoản Facebook chia sẻ, trong đó có tài khoản “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ”. Sau đó, thông tin này tiếp tục được chia sẻ bởi hàng nghìn tài khoản Facebook khác.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên chủ tài khoản Facebook bị cơ quan chức năng xử lý do chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Việc Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt hành chính đối với hai chủ tài khoản Facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” là bài học đối với người dùng Facebook trong việc tiếp nhận, kiểm chứng và chia sẻ thông tin. "Hơn một năm rưỡi qua tính từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta, đội ngũ y, bác sĩ đã luôn là lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Người dân cảm phục, trân trọng và biết ơn họ bởi những việc làm cụ thể chứ không phải vì những hành động đẹp nằm trong các tin giả do ai đó cố tình đưa lên. Giá trị thực không thể và không bao giờ có thể được tạo lên từ nhưng tin giả, tin ảo", một bạn đọc chia sẻ ý kiến.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Twitter, Instagram... đang thu hút hàng triệu người dùng ở Việt Nam tham gia. Tính đến đầu năm 2021, dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người, trong đó có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số; độ tuổi bình quân sử dụng mạng xã hội cũng có xu hướng trẻ hóa. Mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm và giải trí. Sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc đưa các thông tin bịa đặt, sai sự thật lên các ứng dụng nói trên cũng gây nhiều tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhiều tin giả liên quan đến dịch COVID-19 như số ca nhiễm, số người chết vì COVID-19... đã làm xáo trộn đời sống xã hội, khiến người dân lo lắng. Do đó, việc ngăn chặn tình trạng lan truyền tin giả, nhất là tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang là đòi hỏi mang tính cấp bách hiện nay.
Kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, nói “không” với những thông tin sai sự thật, đó là cách để chúng ta tự bảo vệ mình và góp phần xây dựng môi trường thông tin mạng thực sự an toàn, văn minh./.