Giả mạo đăng bài trên trang Facebook của người khác bị xử lý ra sao?

Thứ tư, 13/10/2021 19:31
(ĐCSVN) - Báo nhận được câu hỏi của nhiều bạn đọc như sau: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi giả mạo người khác, đăng bài trên các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử sẽ bị xử lý như thế nào?
Mạo danh đăng bài trên các trang mạng xã hội của người khác có bị xử lý hình sự.

Có thể thấy, tình trạng lợi dụng hình ảnh, sự nổi tiếng của các diễn viên, nghệ sĩ đã dần phổ biến trong thời đại mà mạng xã hội phát triển như hiện nay, đã có không ít nghệ sĩ phải lên tiếng vì bị nhiều đối tượng giả mạo mình để lợi dụng tên tuổi làm những chuyện vi phạm pháp luật.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép, gây ảnh hưởng đến uy tín, tổn thất lớn cho người đó thì không những bị xử lý theo pháp luật dân sự mà còn bị xử lý theo pháp luật hình sự.

Trả lời vấn đề này, Luật sư An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Luật Công nghệ thông tin 2006 (Luật số: 67/2006/QH11, ngày 29/6/2006).

Cụ thể, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó.

Bên cạnh đó, trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính: Theo quy định tại điểm d, Khoản 3, Điều 99 Nghị định 15/2020 (Số: 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020) về  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cá nhân khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 20-30 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Về xử lý hình sự: Tuỳ thuộc vào mục đích của người giả mạo mà sẽ bị xử lý về các tội danh khác nhau. Ví dụ, giả mạo tài khoản của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (Số: 01/VBHN-VPQH, ngày 10/7/2017) với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, việc giả mạo tài khoản của người khác nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự. Khung hình phạt cao nhất cho tội này là bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực