Mạo danh chủ tịch huyện, đưa tin sai sự thật xin cứu trợ sẽ bị xử lý ra sao?

Thứ ba, 14/09/2021 22:15
(ĐCSVN) – Mới đây, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho biết, đã yêu cầu Công an huyện vào cuộc xác minh người mạo danh ông để nhắn tin cho ông Đoàn Ngọc Hải (trú TP Hồ Chí Minh) “xin” hỗ trợ gạo cứu trợ.
Tin nhắn của đối tượng mạo danh ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang gửi cho ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh cand.com.vn

Cụ thể, một đối tượng chưa xác định vào chiều 11/9 đã nhắn tin Zalo cho ông Hải, có nội dung: “Dạ em là A Viết Sơn. Em là Chủ tịch UBND huyện Nam Giang”. Người này nhắn tin cho ông Hải nói rằng, hiện tại có hơn 40 hộ dân bị cô lập do mưa gió và sạt lở do bão số 5.

Ngay sau đó, ông Đoàn Ngọc Hải xin số tài khoản của UBND huyện Nam Giang để chuyển 10 tấn gạo (quy ra tiền 130 triệu đồng). Nhưng thay vì cung cấp số tài khoản của huyện, người mạo danh này lại cung cấp số tài khoản của người khác có tên Nguyễn Văn Triều với chức danh "thư ký huyện". Nghi ngờ có người mạo danh ông A Viết Sơn để lừa đảo, ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu bắt buộc phải có số tài khoản của UBND huyện và khẳng định không chuyển tiền hỗ trợ cho cá nhân.

Tuy nhiên, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) lại khẳng định địa phương không có hộ dân nào bị cô lập, đồng thời đề nghị công an vào cuộc làm rõ sự việc.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn cho biết: “Hiện tôi đã yêu cầu công an huyện xác minh xem người mạo danh tôi nhắn tin cho anh Đoàn Ngọc Hải là ai, ở trên địa bàn huyện hay địa phương khác, để xử lý nghiêm. Nếu người này ở địa phương khác sẽ mời Công an tỉnh vào cuộc xác minh, làm rõ. Chưa nói đến danh dự cá nhân, nhưng việc mạo danh xin gạo này ảnh hưởng đến việc chung của huyện”.

Được biết, theo kế hoạch phòng chống thiên tai, UBND huyện Nam Giang đã yêu cầu mỗi xã tích trữ lương thực, thực phẩm đáp ứng đầy đủ cho người dân có thể ăn từ 10 – 15 ngày nếu có xảy ra tình trạng bị cô lập, chia cắt do mưa bão, lũ quét. Ngay sau đó, huyện sẽ lên kế hoạch tiếp tế. "Chúng tôi sẽ không bao giờ để người dân thiếu đói", ông Sơn nói thêm.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn huyện cũng có mưa nhưng ở mức vừa phải, chưa ảnh hưởng gì nhiều và không có chuyện người dân bị cô lập. Huyện cũng đã huy động lực lượng túc trực, chuẩn bị kế hoạch di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn kéo dài.

Ông Đoàn Ngọc Hải sau khi biết đó là người mạo danh để nhắn tin xin gạo cũng đã tìm cách liên lạc với ông A Viết Sơn. Sau khi nghe ông Sơn trao đổi về tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện, ông Hải cho rằng nếu tình hình mưa lũ ảnh hưởng đến đời sống người dân thì ông sẽ trích quỹ “Vì đồng bào” để hỗ trợ bà con vượt qua mưa lũ.

Với hành vi mạo danh chủ tịch huyện để xin cứu trợ này, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho rằng:

Việc mạo danh chủ tịch huyện để vận động tài trợ là rất đáng lên án, cơ quan chức năng cần nhanh chóng truy tìm để kịp thời xử lý người vi phạm theo quy định. Trường hợp này, người mạo danh chưa chiếm đoạt được tài sản cụ thể nhưng đã thể hiện ý chí muốn chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, nếu cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, người liên quan vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 điều này sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dựa trên bảng giá thị trường, 10 tấn gạo cứu trợ thời điểm hiện tại có giá trị nằm trong khoảng 50-500 triệu đồng. Do đó, người phạm tội có thể bị xử phạt theo khoản 2 hoặc 3 Điều này với khung hình phạt 2-15 năm tù.

Ngoài ra, do hành vi xảy ra trong thời điểm thiên tai hoành hành, người phạm tội còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng "Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh" theo điểm l, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong vụ việc này, người mạo danh đưa thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản song chưa chiếm đoạt được. Do đó, người này có thể thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015.

Với trường hợp phạm tội chưa đạt, mức án áp dụng với người phạm tội sẽ không quá 3/4 mức án mà tội danh quy định, căn cứ Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015. Bởi vậy, trong trường hợp được xác định phạm tội, người mạo danh chủ tịch huyện sẽ đối diện mức án tối đa là 11 năm 3 tháng tù.

Việc có người giả mạo cán bộ để chiếm đoạt tiền không chỉ có dấu hiệu trái pháp luật mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ quan Nhà nước, gây bất ổn tình hình chính trị - xã hội địa phương. Từ vụ việc này, có thể thấy nếu không kịp thời ngăn chặn, những kẻ xấu sẽ tiếp tục lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để chiếm đoạt tiền một cách phi pháp.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và thiên tai đang gây ảnh hưởng lớn, mọi người dân cần nâng nâng cao cảnh giác, tỉnh táo khi quyên góp, ủng hộ tiền từ thiện để số tiền phát huy tối đa hiệu quả, đến đúng nơi đúng chỗ./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực