Xử lý mạnh tay hơn nữa đối với hành vi tung tin giả​

Thứ tư, 11/08/2021 17:50
(ĐCSVN) - Trong khi cả nước đang nỗ lực, căng mình chống dịch COVID-19 thì hằng ngày trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) vẫn xuất hiện không ít những thông tin giả, xuyên tạc, bóp méo sự thật làm rối loạn thông tin, gây hoang mang dư luận. Nhiều người dân đề nghị xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các hành vi này.

Anh Nguyễn Văn Thông, ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) cho biết: Thời gian vừa qua trên địa bàn huyện xảy ra sự việc 3 người từ phía Nam về quê Lào Cai bằng xe máy, khi qua địa bàn bị tai nạn giao thông khiến những người ra cứu giúp trở thành F1. Chuyện chỉ có vậy, dù cơ quan chức năng đã khoanh vùng, cách ly kịp thời toàn bộ những người liên quan, song nhiều ngày sau trên các trang mạng vẫn âm ỉ xuất hiện nhiều thông tin với những động từ mạnh kiểu như “vỡ trận”, “toang”, “nghe nói mà ghê quá”… khiến người dân chúng tôi rất bất an. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền trấn an dư luận, giúp người dân phân biệt được đâu là thông tin sai lệch, đâu là sự thật.

“Từ thực trạng trên có thể thấy, còn một bộ phận người sử dụng MXH ý thức rất kém, chỉ vì câu like, hoặc đơn giản tỏ ra mình “nguy hiểm”, biết nhiều tin tức nóng, hoặc cố ý đưa tin sai để phủ nhận nỗ lực phòng, chống dịch của nước ta mà đưa những thông tin giả, thông tin giật gân, gây hệ quả nghiêm trọng đặc biệt trong tình hình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, đồng thời ra các chế tài mạnh tay hơn nữa để xử lý nghiêm các hành vi này” – anh Thông nói.

Chị Phạm Thúy Nhung. 

Chị Phạm Thúy Nhung, ở Thanh Hà, Thanh Liêm (Hà Nam) nêu ý kiến: Theo dõi thông tin thường xuyên về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên phương tiện thông tin đại chúng và MXH, trong đó tôi thường chú ý đến ca bệnh mới, ca điều trị khỏi và số ca tử vong… và thấy rất nhiều thông tin sai và gây hoang mang về số ca mắc mới, số ca tử vong. Đáng chú ý để minh họa cho số ca tử vong những kẻ tung tin xấu còn sưu tầm nhiều video, hình ảnh minh họa cho sinh động. Tôi đã dày công tra cứu từ nhiều nguồn thông tin mới biết, có rất nhiều hình ảnh giả mạo được cắt ghép, hoặc lấy từ nước ngoài để gán ghép vào tình hình trong nước.

Mặc dù cơ quan chức năng đã xử phạt rất nhiều trường hợp này song có thể vì mục đích, hay lý do nào đó những thông tin sai sự thật, thông tin xấu vẫn xuất hiện. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần chú trọng hơn công tác sàng lọc thông tin trên các nền tảng MXH, không để những thông tin độc hại, sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Đồng thời cần gắn và truy trách nhiệm để quản lý hiệu quả hơn nữa những người sử dụng MXH, nhằm ngăn ngừa trước khi tình trạng trên trở thành "căn bệnh" nan y khó chữa.

Nhìn vấn nạn tin giả ở góc độ khác, ông Trần Văn Việt ở thành phố Thái Nguyên cho biết: Nếu để ý có một thực tế trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều hội nhóm, nếu để ý sẽ có những hội nhóm chuyên tin tức về một địa phương, ví dụ như “Hóng biến tỉnh A; hóng biến tỉnh B”… Nếu chỉ cập nhật những thông tin mới trung thực, hữu ích thì không bàn, nay các hội nhóm này có xu hướng đưa tin cập nhật rất nhanh để thu hút thành viên tham gia, câu view, cũng như tạo sự ảnh hưởng. Hậu quả đã có rất nhiều thông tin mơ hồ, thiếu kiểm chứng hoặc xuyên tạc được phát tán gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự cả một tỉnh, thành. Cần phải xem đây là một trong các cái gốc xuất phát ra những thông tin giả, hoang mang không chỉ gây hại mà còn có dấu hiệu “dắt mũi” dư luận cả một địa phương, nên cơ quan chức năng cần xem xét quản lý chặt chẽ, nếu phát hiện vi phạm cần có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Thêm nữa, chúng ta cần có giải pháp phát huy vai trò các nhóm, trang mạng trang mạng xã hội công khai chính thức của các đơn vị, địa phương nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh cũng như các vấn đề thời sự tới người dân. Bởi có một thực tế trình độ, nhận thức của mỗi người dân là khác nhau, nếu tuyên truyền hiệu quả để người dân ai cũng được tiếp cận thông tin chính thống đầy đủ thì nạn tin giả sẽ dần bị đẩy lùi…

Anh Nguyễn Mạnh Hòa ở phố Miếu Đầm, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thì bức xúc: Tôi thấy rất khó chịu mỗi khi vào mạng là gặp đủ các thông tin không nguồn kiểm chứng liên quan dịch bệnh kiểu như cập nhật số ca dương tính, số người tử vong, bệnh viện quá tải, lệnh giãn cách,…từ các cá nhân sử dụng MXH; có thể tạm hiểu họ cập nhật như vậy là để gây chú ý, để "câu view" nhưng hậu quả gây rối loạn thông tin là quá rõ ràng. Bởi với những người có học hành, có kiến thức còn có thể phân biệt và nhận định được tính trung thực của thông tin, nhưng với người có nhận thức hạn chế khi xem những thông tin, số liệu gây hoang mang này rồi truyền tai nhau thì hậu quả sẽ tai hại như thế nào(!?).

Anh Nguyễn Mạnh Hòa

Thêm nữa, kiểu thông tin “cầm đèn chạy trước ô tô” như nêu trên còn gây khó khăn, giảm hiệu quả công tác tuyên truyền dịch bệnh của cơ quan chức năng, khi mà ở trong một "rừng" thông tin thật, giả lẫn lộn người dân không biết đâu là sự thật. Do vậy tôi đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn nữa với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên MXH. Đối với những thông tin gây hậu quả nghiêm trọng cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý làm gương…

Thực tế có thể thấy, những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh thời gian qua ở các địa phương diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cùng với thói quen chia sẻ thông tin tùy tiện, không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm, không ít người vô tình đã tiếp tay cho những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt theo cấp số nhân và sự nguy hiểm của nó không thua kém gì con virus dịch bệnh.

Những thông tin kiểu "chém gió", nhằm mục đích "câu view, câu like" như thế tưởng chừng vô hại lại gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù những thông tin là giả và ở trên không gian ảo nhưng lại khiến nhiều người hoảng loạn, mất ăn, mất ngủ, thậm chí hoang mang gom hàng hóa tích trữ... là thật.

Tình trạng trên nghiêm trọng tới mức có thời điểm Bộ Công an đã phải hướng dẫn người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng, khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo; nhiều trường hợp chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật, vi phạm quy định phòng, chống dịch đã bị xử phạt nghiêm minh.

Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, những thông tin liên quan đến dịch bệnh được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều người dân đề nghị cần tăng mạnh chế tài, xử lý mạnh tay hơn nữa với hành vi phát tán tin giả, thông tin xấu, độc, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội./.

Bài, ảnh: Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực