|
Cho trẻ uống vitamin A tại Trạm Y tế phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng. (Ảnh: Đình Tiến) |
Trong 2 ngày 05 và 06/12/2024, tỉnh Tây Ninh tổ chức đồng loạt tại 94 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cho trẻ em từ 06 đến 35 tháng tuổi uống Vitamin A đợt 2 năm 2024.
Để chiến dịch uống Vitamin A diễn ra thuận lợi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch bổ sung Vitamin A, từ thống kê đối tượng, bố trí điểm uống hợp lý; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp người dân nắm bắt được kịp thời các nội dung thông tin về chiến dịch, cho con đi uống Vitamin A và cân đo theo dõi sự phát triển của trẻ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh cũng đã thành lập đoàn giám sát việc triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A tại một số điểm uống trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của đoàn giám sát tại các địa phương, nhìn chung, các điểm uống đều được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, bố trí bàn đón tiếp, hướng dẫn, bàn đăng ký khám và phân loại đối tượng, bàn uống Vitamin A và bàn tư vấn, vào sổ cho đối tượng...
Việc bổ sung Vitamin A cho trẻ trong độ tuổi nhằm mục đích giúp trẻ được nâng cao sức khỏe, phát triển tế bào và các mô trong cơ thể, đặc biệt là tóc, móng và da, góp phần đẩy lùi tình trạng trẻ bị thấp còi, nhẹ cân, từng bước nâng cao tầm vóc và thể lực cho thế hệ trẻ.
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6-59 tháng tuổi 2 đợt trên quy mô toàn quốc. Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao. Thời gian qua, các chiến dịch bổ sung vitamin A đã giúp Việt Nam thanh toán được bệnh mù loà do thiếu vitamin A vào năm 2000.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…), giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.
Do đó, các đơn vị cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của WHO và của Bộ Y tế./.