Nông nghiệp Đồng Tháp chuyển mình

Thứ hai, 27/01/2020 20:03
(ĐCSVN) - Năm 2019 đi qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã có bước chuyển mình đáng khích lệ, theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 42.800 tỷ đồng, tăng 3,64% so với năm 2018, đây được xem như một thành công khi bối cảnh nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, xuất khẩu…

Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Làng hoa Sa Đéc vào xuân (Ảnh: K.V)

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phấn khởi cho hay, điểm đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh này trong năm qua là người nông dân đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đó là mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình... Các mô hình này đã giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 triệu đồng đến 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Bên cạnh việc mở rộng sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái thì các mô hình sản xuất sạch, an toàn để nâng cao giá trị nông sản tiếp tục được nhân rộng. Trong đó, ngành hàng xoài đã từng bước được áp dụng như cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài, tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu. Hiện sản phẩm Xoài Cao Lãnh của Đồng Tháp đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Có thể thấy, những năm qua và nhất là trong năm 2019, Đồng Tháp là địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với mục tiêu giúp người nông dân giảm giá thành trong canh tác, nâng cao chất lượng nông sản. Từ định hướng đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp thực hiện và nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ...

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào canh tác với mô hình xoài rải vụ nhằm bảo đảm trái đạt chất lượng cao, an toàn, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Với diện tích thực hiện thí điểm ban đầu trên 400 ha tại huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh, đến nay, diện tích xoài rải vụ toàn tỉnh đã đạt 6.300 ha, chiếm 62% diện tích canh tác xoài của Đồng Tháp. Hướng đến sản xuất ngành hàng xoài theo chiều sâu, ngành nông nghiệp từng bước thực hiện xác định mã vùng trồng đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác cấp chứng nhận GAP đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu.

Cùng với đó, các mô hình kinh tế chia sẻ sử dụng các trang mạng xã hội, các kênh thông tin online để kinh doanh và quảng bá sản phẩm nông nghiệp ở Đồng Tháp cũng đang mở ra hướng đi đầy triển vọng cho người nông dân. Mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh thực hiện từ năm 2016 theo hình thức kinh doanh online, giúp nhà vườn hình thành kênh tiêu thụ mới. Khách hàng chỉ cần một vài thao tác “click chuột” là có thể sở hữu được 1 cây xoài ưng ý. Khách hàng có thể theo dõi thông tin tình trạng cây xoài và được trải nghiệm hái trái khi cây đến mùa thu hoạch. Đến nay, Hợp tác xã này đã bán được 340 cây với doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng. Khai thác hướng đi mới này, nhà vườn xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh đã hình thành “Mô hình cây cam nhà tôi” với 200 gốc cam xoàn. Đến nay, bà con địa phương bán được 50 cây, giá bán 4 triệu đồng/cây/năm, doanh thu đạt được 200 triệu đồng.

Nằm trong vùng dự án VnSAT Đồng Tháp, mô hình “Ruộng nhà mình” được thực hiện tại Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh và Hợp tác xã Tiến Cường, huyện Tam Nông với định hướng sản phẩm của mô hình là gạo an toàn - tối ưu giá. Trong đó, Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm khâu bao tiêu, chế biến và đóng gói sản phẩm. Đối với Công ty Cổ phần Chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Việt, đơn vị sở hữu thương hiệu “Ruộng nhà mình” sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và phân phối sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị là Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp xanh Hà Nội và Tập đoàn An Việt. Đến nay, Công ty lương thực Đồng Tháp đã liên kết tiêu thụ với 2 hợp tác xã được gần 100 ha với sản lượng gần 600 tấn, doanh thu mang lại từ sản phẩm gạo đạt 1,4 tỷ đồng.

Được thực hiện từ năm 2018 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, với tổng diện tích 63 ha, mô hình sản xuất lúa lý tưởng - sử dụng phân bón thông minh góp phần vào việc giảm giá thành cho bà con nông dân. Mô hình này được áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất như canh tác giống lúa chất lượng cao, bón phân thông minh NPK của Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilizers (phân tan chậm), cấy lúa bằng máy cấy “3 trong 1” (cấy lúa kết hợp bón phân vùi 1 lần suốt vụ và phun thuốc trừ ốc, cỏ ngay từ đầu vụ), sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý, tiết kiệm nước theo quy trình “1 phải - 5 giảm”... mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo của địa phương. So với ruộng không áp dụng theo quy trình, mô hình canh tác lúa lý tưởng giúp người dân thu về lợi nhuận cao hơn, dao động từ 3 - 8 triệu đồng/ha…

Mô hình Hội quán khẳng định vai trò trong sản xuất nông nghiệp

Mô hình Hội quán kết hợp với du lịch nông nghiệp ở Lai Vung - Đồng Tháp (Ảnh: K.V) 

Là tỉnh thuần nông, nhưng thời gian qua Đồng Tháp nổi lên là một trong những địa phương tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là mô hình hội quán. Với hơn 80 Hội quán và 4.300 thành viên đã giúp nông dân liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: “Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người nông dân lủi thủi làm ăn một mình, đèn ai nhà nấy rạng, ruộng ai nhà nấy làm. Chúng tôi mong muốn người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình Hội quán”. Chính vì vậy mà từ mô hình này, tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

Tại Đồng Tháp, các địa phương xác định việc xây dựng và phát triển mô hình “Hội quán nông dân” tiến tới thành lập hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở lựa chọn những địa bàn dân cư đông, có các tổ liên kết sản xuất do những nông dân có cùng ngành nghề, cùng địa bàn tự thành lập Hội quán. Ban sáng lập hội quán do hội nông dân xã chủ trì vận động, các hội viên nông dân tham gia là những người có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh. Ban chủ nhiệm hội quán được lựa chọn từ những nông dân sản xuất giỏi, kinh doanh hiệu quả, có tâm huyết, kinh nghiệm, có uy tín, có tư duy “dám nghĩ, dám làm”.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 17 hợp tác xã được thành lập từ 18 Hội quán. Trong đó, có một số Hội quán đã xây dựng, kết nối liên kết tiêu thụ nông sản thành công như Đông Tân Hội quán (TP. Cao Lãnh) với mô hình “Cây cam nhà tôi”; Minh Tâm Hội quán (huyện Cao Lãnh) với mô hình “Cây xoài nhà tôi”; Canh Tân Hội quán (huyện Châu Thành) xây dựng và kết nối thành công việc tiêu thụ nhãn với các doanh nghiệp...

Từ nền móng Tổ Hợp tác liên kết sản xuất xoài Hòa Long, Duy Tân Hội quán, ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP. Cao Lãnh ra mắt từ tháng 9/2016, đến nay, TP. Cao Lãnh thành lập được 11 Hội quán ở 7 xã và 2 phường. Các Hội quán hoạt động đa lĩnh vực như sản xuất xoài, cam xoàn, nhãn, cây cảnh, hoa kiểng, rau sạch... Đặc biệt, có Doanh Tâm Hội quán là nơi tập hợp những chủ doanh nghiệp trên địa bàn để tập hợp các hộ mua bán sản xuất, kinh doanh cùng nhau phát triển kinh tế, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường 2 có hiệu quả.

Có thể khẳng định, các mô hình hội quán đã gắn kết được với Ban quản lý cộng đồng dân cư tự quản xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị tại các khóm, ấp có mô hình Hội quán. Cấp ủy, chính quyền đã trở thành cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp với nông dân, bước đầu đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản giúp người nông dân an tâm trong sản xuất, tăng thu nhập và tránh được nhiều rủi ro.

Ông Lê Thành Công, Bí thư Thành ủy Cao Lãnh cho biết, hội quán đã thật sự là ngôi nhà chung của nông dân, ở đó tính tự nguyện, tự chủ của người dân được đề cao, là nơi để người dân cùng bàn bạc, sẻ chia kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, chất lượng để đi đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, nông dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn và quan trọng hơn hết là thoát khỏi cái bẫy của sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát.

Điều này cho thấy, lĩnh vực kinh tế hợp tác và hội quán đã góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Đồng Tháp. Mô hình Hội quán đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở, trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã mới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực