Đạt kỷ lục mới về lượng khách quốc tế
Năm 2019 ngành Du lịch đón được trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6% và tổng thu từ du lịch đạt 726 ngàn tỷ đồng, tăng 17,1%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh khách quốc tế trên phạm vi toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo năm 2019 khách du lịch quốc tế trên thế giới chỉ tăng 3-4%. Trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn đáng kể so với các điểm đến hàng đầu như Thái Lan tăng 3,2%; Indonesia tăng khoảng 7%; Singapore tăng khoảng 1,9%; Malaysia tăng 3,7%. Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 4 về lượng khách quốc tế đến trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Indonesia (khoảng 17 triệu lượt) và bám sát Singapore (khoảng 19 triệu lượt).
Việc tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế và khu vực ở Việt Nam như Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ 2, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 đã tạo cơ hội thuận lợi để quảng bá du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng trung bình từ năm 2015-2019 đạt khoảng 22,7%/năm. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong năm 2019, du lịch Việt Nam cũng được vinh danh ở 6 hạng mục giải thưởng của tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới, bao gồm: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (lần đầu tiên); Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (lần đầu tiên); Điểm đến hàng đầu châu Á (lần thứ 2 liên tiếp); Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (lần thứ 2 liên tiếp); Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (lần đầu tiên) và Hội An là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á.
Trong năm qua, Việt Nam cũng đã nhận nhiều bình chọn hàng đầu thế giới, hấp dẫn nhất thế giới khác: Condé Nast Traveller xếp Việt Nam trong Top 10 quốc gia tuyệt vời nhất thế giới năm 2019 do độc giả bình chọn, với sự tham gia bình chọn của 600.000 độc giả đã trải nghiệm dịch vụ hoặc có ý định đi du lịch trên toàn thế giới. Travel and Leisure bình chọn Hội An là thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2019. Hội An cũng được WTA bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu khu vực châu Á năm 2019. Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) đánh giá và công bố Việt Nam là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2019 đối với du khách Mỹ. Nhiều tập đoàn, công ty du lịch lớn của Việt Nam như: SunGroup, VinGroup, FLC, Saigontourist, Hanoitourist, Vietravel… cũng nhận hàng trăm giải thưởng du lịch, từng bước khẳng định sự lớn mạnh của cộng đồng du lịch Việt Nam. Sự thừa nhận, đánh giá khách quan này của thế giới là cơ hội không thể tốt hơn để quảng bá hình ảnh một Việt Nam hấp dẫn, thân thiện. Những đánh giá, xếp hạng đó của thế giới cũng đồng thời thể hiện Việt Nam là điểm đến ao ước của hàng triệu du khách trên thế giới.
|
|
Khách quốc tế tham quan các di tích của Việt Nam. (Ảnh: GH) |
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, động lực chính để đạt sự tăng trưởng kỷ lục này là do Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thu hút khách du lịch. Ngành Du lịch và các địa phương, doanh nghiệp đã phối hợp triển khai hiệu quả nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường du lịch trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đức, Nhật Bản, Mỹ… Mặt khác, Việt Nam tiếp tục nổi lên là điểm đến an toàn trong bối cảnh còn nhiều bất ổn ở khu vực Đông Bắc Á; điểm đến Việt Nam ngày càng hấp dẫn với các sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp; hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại; kết nối hàng không giữa các điểm đến của Việt Nam với nhiều thị trường nguồn được mở rộng bằng các đường bay thẳng, giúp du khách quốc tế dễ dàng hơn trong lựa chọn điểm đến…
Du lịch tạo động lực phát triển kinh tế cho các địa phương
Sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch của một số tỉnh/thành phố đã có sự bứt phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế như: Hà Giang, Nghệ An, Cần Thơ, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Hòa Bình, Lào Cai... Sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tạo cơ sở hình thành một số điểm đến hấp dẫn, các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế. Du lịch MICE (du lịch kết hợp khen thưởng, hội nghị, hội thảo) trở thành thương hiệu thu hút khách quốc tế của Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Tại một số tỉnh Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch cộng đồng du lịch sinh thái.
Đặc biệt, đầu tư trong lĩnh vực du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính: VinGroup, SunGroup, BIM, CEO.... Trong đó, tập đoàn Vingroup khai trương và đưa vào hoạt động hàng loạt các khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao tại các tỉnh, thành phố: Khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81 và Đài quan sát Landmark 81 SkyView (TP Hồ Chí Minh), Vinpearl Hotel Imperia, Vinpearl Hotel Rivera (Hải Phòng).
Liên kết vùng miền trong phát triển du lịch cũng được quan tâm, thúc đẩy thông qua các hội nghị hợp tác phát triển: Liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế; Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Hội nghị kết nối du lịch Hà Tĩnh với các tỉnh Tây Nguyên; Tọa đàm Liên kết, hợp tác phát triển du lịch Hà Nội, Khánh Hòa và Ninh Thuận; Nghệ An phối hợp với Hà Nội tổ chức Hội nghị Kết nối du lịch Bắc Trung Bộ…
Công tác quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch mới có nhiều thay đổi và hiệu quả hơn. Các địa phương tăng cường đầu tư, ứng dụng nền tảng công nghệ vào xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Nhiều địa phương (Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Thuận, Bắc Giang...) đã triển khai đề án du lịch thông minh góp phần nâng cao năng lực quản lý, chất lượng để phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính trải nghiệm và lấy du khách làm trung tâm.
Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.
Phấn đấu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020
Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2020 dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng.
Trong nước, nhiều sự kiện chính trị - văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng sẽ diễn ra: kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020), 75 năm thành lập nước (2/9/1945-2/9/2020), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020), năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng và là năm kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Du lịch (9/7/1960- 9/7/2020)...
Trong năm 2020, ngành Du lịch phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai ngay các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước; đổi mới hình thức và nội dung để đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo kế hoạch của Tổng cục Du lịch, trong cả năm 2020, những sự kiện được tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch là Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Giải đua công thức 1 tại Hà Nội, Năm du lịch quốc gia 2020- Ninh Bình với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”; tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế năm 2020 tại FITUR (Tây Ban Nha), ITB (Đức), MITT (Nga), WTM (Anh), Travex (Brunei); tổ chức giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Úc, Mỹ, một số nước châu Âu và các nước ASEAN…
Trong năm 2020, ngành Du lịch sẽ chuẩn bị triển khai các giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 hiện đang trình Chính phủ phê duyệt. Khi được phê duyệt thì tất cả những giải pháp cho Chiến lược sẽ được toàn ngành chuyển thành các hành động cụ thể. Trong năm 2020, Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục triển khai các đề án mà Chính phủ đã phê duyệt thực hiện. Trong đó có Đề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, Đề án tái cơ cấu phát triển khách du lịch Việt Nam, Đề án xúc tiến du lịch Việt Nam ở thị trường nước ngoài…
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ rà soát, hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Đặc biệt, ngành Du lịch tập trung nghiên cứu thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch, đáp ứng các thị trường khách mục tiêu như thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN. Đây đều là những thị trường lớn, có tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tổ chức khai thác các thị trường mới như Ấn Độ, khu vực Trung Đông… Đồng thời tập trung vào công tác đào tạo nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được các dịch vụ du lịch cao cấp.