Triển vọng kinh tế số ASEAN

Thứ bảy, 02/02/2019 19:16
(ĐCSVN) - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời có thể thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phát triển. AEC tạo ra một thị trường đồng nhất với sự tự do dịch chuyển về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.

Ảnh minh họa. (Nguồn:vtv.vn)

Số hóa giờ đây đang dần trở thành xu thế chủ đạo trong phát triển kinh tế, là chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có những bước đi mạnh mẽ, phát huy những lợi thế sẵn có để nắm lấy cơ hội đổi mới kinh tế theo hướng hiện đại và năng động hơn.

Trong bối cảnh công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, tác động rất lớn đến bức tranh kinh tế của toàn cầu như hiện nay, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số, trong đó chú trọng việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab đã khẳng định: Kinh tế số đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, kết nối người dân khắp mọi nơi, kết nối nông thôn với thành thị, giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng bán hoặc xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của mình. Kinh tế số cũng sẽ tác động tới các nền kinh tế với tiềm năng rất lớn.

Đối với ASEAN, công nghệ số cũng chính là một trong những ưu tiên hàng đầu để đạt mục tiêu trở thành một trong 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025.

Đến nay, Cộng đồng ASEAN đang nỗ lực nắm bắt xu thế phát triển kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc phát huy lợi thế có sẵn cũng như xây dựng kế hoạch toàn diện để trở thành nền kinh tế số lớn trên thế giới. Hiện tại, ASEAN có những điều kiện, cơ sở để thực hiện tham vọng về phát triển kinh tế số trong khu vực. Khoảng 90% số người dưới 30 tuổi tiếp cận được với internet. Hơn 330 triệu người dùng internet năm 2017, tăng mạnh từ 70 triệu năm 2015. Trong đó, số người lên mạng trên điện thoại di động đến 3,6 giờ mỗi ngày, cao hơn nhiều các nơi khác. Bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng: Quả thực, tiềm năng phát triển kinh tế số trong ASEAN là rất lớn. Có thể thấy các quốc gia ASEAN đang phát triển ở mức độ nhỉnh hơn so với mặt bằng chung thế giới, thể hiện qua các chỉ số như thời gian sử dụng internet hay tỉ lệ người sử dụng internet cao. Thêm vào đó là sự phát triển của thương mại điện tử tại một số quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng kinh tế số chưa được khai thác.

Theo giới chuyên gia kinh tế, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời có thể thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phát triển. AEC tạo ra một thị trường đồng nhất với sự tự do dịch chuyển về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Từ đó, AEC mở ra nhiều cơ hội cho việc kinh doanh và cơ hội việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hiệp hội.

Bên cạnh đó, các chính phủ ASEAN đang tích cực đầu tư vào nhiều dự án phát triển thông tin, truyền thông với khoảng 100 tỷ USD năm 2015. Nổi bật trong đó là các sáng kiến của Việt Nam như tạo ra một ASEAN phẳng, không chuyển vùng quốc tế, thành lập trường Đại học về công nghệ thông tin và truyền thông của ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là thành lập Trung tâm chia sẻ thông tin an ninh mạng ASEAN. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Tôi cho rằng cuộc sống của chúng ta hiện nay phụ thuộc rất lớn vào internet. Sự phồn thịnh của chúng ta cũng phụ thuộc vào nó nhưng internet lại không an toàn. Vì vậy việc quan trọng nhất của chúng ta trong tương lai là đảm bảo an ninh mạng.

Đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ các nước ASEAN trong các bước đi hướng đến nền kinh tế số, bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: Tôi thấy việc ASEAN tích cực thảo luận về kinh tế số cho thấy các nhà lãnh đạo và các quốc gia đang nỗ lực để vươn lên một tầm cao mới và đây là một lĩnh vực rất quan trọng. Kinh tế số là nền kinh tế của tương lai. Nó cho phép chúng ta kinh doanh hiệu quả hơn, giúp phát triển đồng đều, mở rộng cơ hội việc làm và mở ra cách thức làm việc hoàn toàn mới. Kinh tế số sẽ giúp tăng năng suất, từ đó công việc có thể hoàn thành nhanh hơn, hiệu quả hơn và tăng thu nhập.

Tiềm năng thị trường kinh tế số ASEAN là rất lớn. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế đó, đồng thời đáp ứng với xu thế kinh tế số phát triển như vũ bão hiện nay, đòi hỏi các nước ASEAN có những chiến lược phát triển kinh tế số mang tính tổng thể và dài hơi. Những bước đi đầu tiên của ASEAN đang đem đến những triển vọng mới./.

Minh Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực