"Ban hành một văn bản phải hiểu rõ điều chỉnh đối tượng, hành vi gì?"

Thứ năm, 10/12/2015 22:14
(ĐCSVN) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Ban hành một văn bản thì phải hiểu rõ điều chỉnh đối tượng, hành vi gì? Trong khi đó phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường “nghe mênh mông quá nhưng lại không đúng”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày dự thảo Pháp lệnh (Ảnh: KT)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 43, chiều ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của Quản lý thị trường đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho hiệu quả hoạt động của Quản lý thị trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đặt ra trong tình hình mới. Mặt khác, thực tiễn hiện nay, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng hoá không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt...

Trong bối cảnh đó, việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường để luật hóa dưới hình thức Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường để nâng cao địa vị pháp lý của Quản lý thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hợp lý và hiệu quả của hoạt động kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp nhằm bảo vệ thương mại lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích xã hội là rất cần thiết.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự thảo Pháp lệnh gồm 7 chương 39 Điều quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, công chức của Quản lý thị trường; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của Quản lý thị trường đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động của Quản lý thị trường; bảo đảm điều kiện hoạt động của Quản lý thị trường và chế độ, chính sách đối với công chức Quản lý thị trường.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên của UBTVQH đều cho rằng cần thiết phải ban hành Pháp lệnh về quản lý thị trường song đề nghị quy định rõ hơn phạm vi điều chỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban này cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh là phù hợp, chỉ tập trung quy định về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Quản lý thị trường. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh cần bao quát thống nhất, toàn diện các vấn đề của hoạt động quản lý thị trường, tránh phân tán, chia cắt theo từng ngành; đồng thời có quy định về phân công, phối hợp giữa các lực lượng. Có ý kiến đề nghị dự án Pháp lệnh cần thể hiện mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và Lực lượng Quản lý thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan.

”Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tiếp cận theo chủ thể Lực lượng Quản lý thị trường tương tự như: Luật hải quan, Pháp lệnh bộ đội biên phòng, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam... Tuy nhiên, đề nghị làm rõ sự phù hợp giữa tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh. Đề nghị lấy tên là Pháp lệnh Lực lượng Quản lý thị trường hoặc Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Quản lý thị trường. Đồng thời, đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh trong Điều 1 bao gồm cả "trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” để bao quát các nội dung của dự án Pháp lệnh” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu phát biểu. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông tán thành sự cần thiết phải có một văn bản ở tầm Pháp lệnh để khắc phục sự quá tải của quản lý thị trường trong hơn 20 năm qua. Tuy vậy, ông nhận xét nội dung của pháp lệnh đi sâu vào các cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý thị trường nên chưa rõ ranh giới giữa cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý thị trường và lĩnh vực quản lý nhà nước về thị trường.

Nhận xét dự thảo quy định quản lý thị trường không khác gì cơ quan điều tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nhấn mạnh “Quản lý thị trường có nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo pháp luật trong hoạt động thương mại; tiếp đến là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng vấn đề lớn đặt ra của dự án Pháp lệnh là phạm vi điều chỉnh chưa rõ. Từ đó dẫn đến sự trùng lặp giữa pháp lệnh này với các văn bản pháp luật khác liên quan và ngay đối với các lực lượng của chúng ta hiện nay.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh ban hành một văn bản thì phải hiểu rõ điều chỉnh đối tượng, hành vi gì? Trong khi đó phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh “nghe mênh mông quá nhưng lại không đúng”. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Pháp lệnh về Quản lý thị trường cần loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh những điều không phải là hàng hóa.

Kết luận phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở các ý kiến đóng góp của UBTVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh./.

Cuối giờ chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc./.

Kim Thanh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực