Đàn bò của gia đình ông Chuột. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Cách tổ chức sản xuất hiệu quả của ông đã trở thành kinh nghiệm về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên phạm vi nông hộ.
Ông Chuột từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang. Nghỉ hưu năm 1986, thời điểm đó, kinh tế gia đình ông rất khó khăn. Gia đình ông có 8.000 m2 đất canh tác, chủ yếu trồng lúa năng suất cao. Gia đình ông làm quần quật quanh năm suốt tháng, cực khổ trăm bề nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo do đầu ra bấp bênh, điệp khúc “trúng mùa – mất giá” lặp đi lặp lại, hiệu quả sản xuất không cao.
Không cam chịu, ông Chuột chuyển sang lập vườn trồng nhãn. Khoảng năm 1994, trồng nhãn cũng lâm vào thế khó do không thích hợp đất đai, thổ nhưỡng, năng suất và sản lượng thấp. Sau dăm năm, thấy nhãn khó làm giàu, ông mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn cây trồng thanh long – một cây ăn quả đặc sản được đánh giá là tiềm năng kinh tế lớn, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Rồi ông kết hợp xây chuồng trại chăn nuôi bò, nuôi lợn rừng lai. Ông thả nuôi thêm cá tai tượng và các loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế khác theo mô hình VAC. Ông chia sẻ: Nông dân phải xác định cần đoạn tuyệt với tập quán canh tác lỗi thời, tích cực học hỏi và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để đạt năng suất, sản lượng cao. Tùy theo điều kiện đất đai, thổ nhưỡng mà xác định cây trồng vật nuôi phù hợp.
Với cây thanh long, ông trồng giống thanh long ruột trắng, một cây trồng truyền thống của nông dân Chợ Gạo, thích hợp với địa hình, thổ nhưỡng. Theo ông, để đạt kết quả mỹ mãn, cần phải tuân thủ qui trình canh tác cũng như các khâu: chọn giống tốt, mật độ trồng, kỹ thuật xử lý để cây cho trái theo ý muốn, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho thanh long…Mật độ trồngkhoảng 120 trụ thanh long/ 1.000 m2 (1 công đất), mỗi trụ trồng 4 gốc thanh long. Trong thâm canh thanh long, kỹ thuật xông đèn xử lý cây cho trái theo ý muốn rất quan trọng. Thông thường, thanh long chính vụ (ra hoa tự nhiên) cho thu hoạch vào khoảng tháng 6,7 âm lịch. Thời điểm này, thanh long thường không có giá hoặc giá bán rất thấp. Để khắc phục, nông dân chú trọng xông đèn xử lý để thanh long ra trái và cho thu hoạch tránh thời điểm trên. Với kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với cây thanh long, trong năm, ông xông đèn xử lý cho cây ra trái từ 2 đến 3 đợt. Thời gian xông liên tục 12 đêm/ đợt cây sẽ ra hoa, từ khi xông đèn cho đến khi thu hoạch thanh long khoảng 90 ngày.
Nhờ chú trọng học hỏi, nắm vững kỹ thuật thâm canh, trong các năm qua, vườn thanh long của gia đình ông luôn đạt năng suất, sản lượng cao và bán có giá. Bình quân mỗi công đất (1.000 m2) đạt năng suất 2 tấn quả, tương đương 20 tấn/ ha. Với 8 công đất (8.000 m2), mỗi năm ông đạt sản lượng 16 tấn quả, bán giá bình quân gần 15.000 đồng/kg, ông thu khoảng 230 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn thành công của mình, khuyến khích bà con trong xóm ấp thay đổi tập quán sản xuất, tích cực học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng những mô hình làm ăn thích hợp và hiệu quả. Ông luôn ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Đoàn Công Trực, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Kiết đánh giá, ông cựu chiến binh Võ Văn Chuột có nhiều đóng góp trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, tổ chức sản xuất – kinh doanh hiệu quả ở Phú Kiết. Đặc biệt, mô hình chuyển đổi sản xuất, phá thế độc canh cây lúa của ông góp phần mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương nỗ lực phát huy tiềm năng đất đai, lao động giảm nghèo nông thôn./.