Ảnh minh họa. Nguồn: ubdt.gov.vn
Đặc biệt, chính sách 135 giai đoạn 2012 - 2016 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, bản đặc biệt khó khăn, các xã biên giới đã giúp cho kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó trên trong huyện từng bước phát triển, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa bàn.
Trong năm 2016, nguồn vốn của chính sách 135 hỗ trợ cho xã Bum Nưa, huyện Mường Tè là 245 triệu đồng; trong đó 180 triệu đồng hỗ trợ con giống; số vốn còn lại để dành cho việc duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu sản xuất cho nhân dân. Có đủ nước vào ruộng nương, người dân thay đổi được tập quán canh tác, đưa những loại giống cây trồng mới vào gieo trồng, năng suất lao động được nâng lên đáng kể. Những con giống hỗ trợ được nhiều người dân tiến hành tái đàn để nhân rộng mô hình chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình có thêm kinh phí mua những con giống mới về nuôi.
Anh Pờ Văn Thương, người dân bản Nà Lang, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè chia sẻ, được nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình điện, đường, thủy lợi cũng như hỗ trợ nhiều chính sách nông nghiệp, diện mạo bản làng có sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt cùng với chương trình nông thôn mới, các đường giao thông liên bản được cứng hóa, thông suốt với nhau nên người dân không còn phải khó khăn khi di chuyển vào mùa mưa nữa. "Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào những chính sách chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước", anh Thương nói.
Bà Vàng Thị Thánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bum Nưa, huyện Mường Tè nhận định, chính sách 135 đã giúp cho các hộ nghèo trong xã được hỗ trợ cây, con giống, vật tư phân bón, đồng thời các cán bộ nông nghiệp huyện cũng hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Có được những sự hỗ trợ của nhà nước trong đó là chính sách 135, diện mạo đời sống nhân dân trong xã từng bước được nâng lên.
Trong quá trình triển khai chính sách 135 giai đoạn 2012 - 2016 ở Mường Tè đã luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh Lai Châu. Chính sách được phê duyệt đã kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; do đó trong quá trình thực hiện luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách, huyện Mường Tè đã lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các phòng ban chuyên môn; đồng thời xây dựng các kế hoạch, văn bản hướng dẫn cụ thể về rà soát, phân bổ vốn tới các xã.
Việc triển khai chính sách 135 trên địa bàn huyện Mường Tè được lồng ghép với các chương trình khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/ năm; 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm; 73% số bản có đường ô tô, xe máy đi lại thuận lợi; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng được 50% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm. Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Mường Tè đã tiến hành đâu tư, nâng cấp, sửa chữa, kiên cố được 129 công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho trên 1.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp…
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, chính sách đã thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nhất là đối với Mường Tè là một huyện khó khăn nhất cả nước, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nguồn lực hỗ trợ từ chính sách tương đối ổn định nên địa phương đã chủ động trong xây dựng kế hoạch hàng năm cũng như cả giai đoạn. Nhiều công trình, hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu được hoàn thành và đưa vào sử dụng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Từ việc phát huy được nguồn lực của chương trình, nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng được thụ hưởng đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó vương lên thoát nghèo…
Các công trình giao thông thủy lợi được đầu tư; hỗ trợ trực tiếp gia súc, gia cầm, máy nông cụ phục vụ trong nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... tất cả những mục tiêu trong chính sách 135 đang đem lại một kết quả khả quan cho huyện Mường Tè. Chính sách được đầu tư đúng thời điểm, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân. Nhờ đó tỷ lệ đói nghèo của huyện đã giảm nhanh từ 53,4% năm 2012 xuống còn 37,6% năm 2015; thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các dân tộc cũng như vùng miền./.