4 năm trước, xóm ngoài đồng của cụm 1, thôn 11, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Mê Thuột với 25 hộ sống chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây giống nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Đường vào xóm nửa cây số chỉ là bờ ruộng và bìa rừng nên đi lại cũng khó khăn không kém.
Nhận thấy cây giống của bà con làm ra không bán được do việc vận chuyển không thuận lợi, bản thân là kỹ sư cầu đường đã từng làm bao công trình giao thông cho các nơi mà đường sá ngay tại khu dân cư nơi mình sinh sống vẫn chịu cảnh lầy lội, ông Đỗ Đình Sinh đã bàn với gia đình để đi đến quyết định tài trợ làm 72m đường bê tông (rộng 3m), 78m đường tiếp theo đổ xà bần. Với 95 triệu đồng cùng 4 ca máy, 150m đường do ông Sinh tài trợ đã giúp bà con trong xóm đi lại thuận tiện hơn.
Người dân TP Buôn Mê Thuột làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: Minh Châu
Với 350 m đường còn lại, 2 năm sau, vào năm 2014, được nhà nước hỗ trợ xi măng, thương cảm với hoàn cảnh của các gia đình trong xóm, gia đình ông Sinh lại tình nguyện góp 132 triệu đồng để mua cát, đá, thuê xe lu… bà con trong xóm chỉ phải đóng góp nhân công. Vậy là đoạn đường bê tông dài 500m tại cụm 1, thôn 11, xã Hòa Thắng đã hoàn thành trong niềm vui của những người dân xóm nghèo.
Cũng với tấm lòng sẻ chia nỗi cơ cực với bà con chòm xóm, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nơi mình sinh sống, gia đình bà Nguyễn Thị Năm, thôn 12, xã Eea Tu, TP Buôn Ma Thuột đã góp trên 100 triệu đồng cùng quê hương xây dựng nông thôn mới.
“Nơi tôi sinh sống là vùng nông thôn, cách TP 12km, nhiều hộ dân còn trong cảnh nghèo khó vì vậy gia đình tôi tình nguyện góp 45 triệu đồng xây dựng 80m đường giao thông nông thôn, 25 triệu đồng hỗ trợ xây 60m trường rào nghĩa trang thôn, 10 triệu đồng để mua bàn ghế phục vụ hội họp, 20 triệu đồng góp cùng xã nhà để xóa nhà tạm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số…”, bà Năm nhẩm tính.
Với những tấm lòng như ông Đỗ Đình Sinh, bà Nguyễn Thị Năm, sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP Buôn Ma Thuột đã huy động được sức mạnh từ chính nhân dân, cùng với chính quyền xây dựng được trên 102 km đường thôn buôn, 145 km đường ngõ, xóm, 20 km đường nội đồng, kiên cố trên 28 km kênh mương cùng 252 phòng học…
Để xây dựng các công trình trên, ngân sách tỉnh và TP đầu tư là trên 541 tỷ đồng, nhân dân tham gia đóng góp 144 tỷ đồng tiền mặt, trên 17,4 nghìn ngày công, hiến 2,84ha đất, phá dỡ trên 2.000m tường rào, cùng nhiều vật dụng, cây cối, hoa màu…
Nếu như năm 2010, trung bình 1 xã trên địa bàn TP chỉ đạt 4,13/19 tiêu chí nông thôn mới, 75% số xã đạt dưới 4 tiêu chí thì đến nay, trung bình các xã đều đạt 15,9 tiêu chí/xã, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt 16 tiêu chí, 3 xã đạt từ 12-13 tiêu chí.
Những con đường nông thôn mới sạch đẹp - Ảnh: Minh Châu
Nổi bật là xã Hòa Thắng, để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015, xã đã tập trung quy hoạch 6 vùng sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế sản xuất giống cây trồng và hoa cây cảnh, các dịch vụ thương mại, cơ khí… Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện là cơ sở để 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; 90% đường trục thôn, buôn, 84% đường ngõ, xóm và 71,1% đường trục chính nội đồng được cứng hóa…
Để có được kết quả đó, TP đã tập trung nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm phát huy vai trò của từng chủ thể, khơi dậy được các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tại chỗ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với điểm sáng trong việc huy động sức mạnh của nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng, TP Buôn Mê Thuột cũng tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Hằng năm, TP đều dành khoảng 1 tỷ đồng cho công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động doanh nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình về cánh đồng mẫu lúa, cà phê…; bố trí trên 12 tỷ đồng hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn khoảng 0,96%, lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 92%.
Xác định mục tiêu đến năm 2018 cả 8/8 xã là xã nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 TP sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, TP Buôn Mê Thuột xác định tiếp tục phát huy nội lực, vận động nhân dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, khuyến khích phát triển các ngành nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân./.