Vai trò của các hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

Thứ tư, 08/06/2016 20:01
(ĐCSVN) – Giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho nông dân là những đóng góp tích cực của các hợp tác xã trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An.


Sự phát triển của dịch vụ thủy lợi nội đồng của các HTX đã đưa nước tới từng cánh đồng kịp thời vụ.
(Ảnh: HH)
 

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) đã từng bước làm thay đổi nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, MTTQ và các tổ chức đoàn thể về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng.

Những năm qua, kinh tế tập thể có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.890 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, tổ hợp tác làng nghề chế biến hải sản. Tổng số thành viên làm việc trong tổ hợp tác gồm  34.086 người, mức thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 620 HTX, trong đó 444 HTX dịch vụ nông nghiệp,121 HTX phi nông nghiệp, 55 quỹ tín dụng (có 327 HTX hoạt đông hiệu quả, chiếm 53%) với tổng số thành viên 265.362 người và 52.162 lao động làm việc thường xuyên trong các HTX.

Tổng doanh thu của HTX mỗi năm đạt trên 1 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 7% GDP của tỉnh. Trong đó, HTX nông nghiệp khoảng 200 tỷ đồng, HTX phi nông nghiệp 500 tỷ đồng và phần còn lại là của Quỹ Tín dụng nhân dân.

Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, với sự cố gắng của các cơ quan tham mưu, chính quyền các cấp trong 3 năm qua, kinh tế tập thể đã đạt được kết quả nhất định, quy mô tổ hợp tác, HTX cơ bản chuyển biến tích cực. Các HTX có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ khi có Luật HTX năm 2012 đến nay, tỉnh thành lập mới 12 HTX, đã chuyển đổi được 44 HTX hoạt động theo Luật, chiếm 37,5%.

Tìm hiểu rõ hơn về vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã tìm đến HTX Sản xuất và dịch vụ Sông Lam trên địa bàn thị xã Cửa Lò. Ông Lê Thanh Ty, Tổng Giám đốc HTX Sông Lam cho biết, với những nỗ lực trong thời gian qua, HTX đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương khi tham gia sửa chữa tàu thuyền, cơ khí và chế biến hải, xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi và dân dụng, ga ra ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh nhà hàng ăn uống. Chỉ tính riêng ở phân xưởng tàu thuyền, gần 30 lao động ở phân xưởng này luôn có việc làm ổn định với mức thu nhập năm sau cao hơn năm trước 6%. Bên cạnh đó, Trung tâm Xuất khẩu lao động thuộc Công ty thương mại và dịch vụ tổng hợp của HTX đã đưa được nhiều lao động trong nước đi làm việc tại nước ngoài. Năm 2015, HTX đã đưa trên 400 lao động đi làm việc tại nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia... Đồng thời HTX đã thi công hoàn chỉnh 1 công trình và đang chuẩn bị thi công 3 công trình có mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX đã có nhiều biện pháp sáng kiến, linh hoạt đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi của thị trường, xứng đáng là đơn vị đầu tàu của khu vực HTX trong tỉnh.

Tổng Giám đốc HTX Sông Lam (áo trắng) giới thiệu quy trình chế biến nước mắm. (Ảnh: HH)

Với tên gọi HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Liên (TP.Vinh), hàng chục năm nay là địa chỉ uy tín trong cung ứng giống, vật tư phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân trên địa bàn. Nhằm góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế, hàng năm, HTX luôn đầu tư 200 - 300 triệu đồng để mua phân bón về cung ứng cho bà con vay sản xuất đến cuối vụ trả.

Cùng với đó, HTX Nghi Liên đã trực tiếp mua giống, phân bón tại doanh nghiệp sản xuất với giá gốc và sản phẩm đảm bảo chất lượng nên bà con tin tưởng, yên tâm sản xuất. Bình quân mỗi năm HTX cung ứng cho bà con từ 3 -5 tấn giống lúa và 50 - 60 tấn phân bón các loại.

Bên cạnh đó, HTX Nghi Liên còn có hoạt động tín dụng nội bộ để đáp ứng nhu cầu gửi và vay vốn thuận lợi cho thành viên, nguồn vốn huy động có thời điểm lên tới 3 tỷ đồng, sẵn sàng cho bà con vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà không cần nhiều thủ tục rườm rà, được nhân dân tin tưởng lựa chọn trong sản xuất nông sản hàng hóa.

Cũng giống các HTX nói trên, HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) đã đảm nhiệm tốt vai trò  "bà đỡ" cho bà con nông dân địa phương, thực hiện tốt các khâu dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn xã với quy mô diện tích 850 ha đất canh tác, trong đó có 520 ha lúa, 330 ha các loại cây màu và cây công nghiệp thực phẩm ngắn ngày. 

Là một địa phương thuần nông có trên 1800 hộ dân, với gần 1200 lao động và hơn 8000 nhân khẩu, lấy sản xuất nông nghiệp làm nguồn thu nhập chính. Vì vậy, sự tồn tại và phát triển của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Nghi Lâm là cần thiết. HTX NN chủ yếu làm nhiệm vụ dịch vụ phục vụ theo yêu cầu sản xuất nông nghiệp và liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Hiện HTX NN Nghi Lâm quản lý 9 trạm bơm, 2 hồ đập và cả một hệ thống kênh mương được bê tông hóa vững chắc rải đều trên các cánh đồng. Để công tác thủy nông đi vào hoạt động có hiệu quả. HTX đã tiến hành ký kết hợp đồng với các xóm trưởng đảm bảo đưa đủ nước về từng cánh đồng, thửa ruộng theo yêu cầu sản xuất của từng loại cây trồng. Việc làm này không giản đơn vì vậy HTX đã cử ra một tổ thủy nông 3 người, vừa làm nhiệm vụ quản lý trạm bơm, hồ đập; vừa có nhiệm vụ đưa dẫn nước vào từng cánh đồng, thửa ruộng cho bà con nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Bổng một nông dân ở xã Nghi Lâm cho biết: Công tác thủy nông trên đồng ruộng từ ngày có HTX NN kiểu mới đảm nhiệm khâu tưới tiêu nước lại nay thực hiện rất tốt, rất có trách nhiệm. Hầu như bà con nông dân cả xã không có ai kêu ca về chuyện ruộng khô hạn, thiếu nước như những năm trước đây thường gặp.

Cùng với dịch vụ thủy nông một trong những dịch vụ lớn nhất của HTX NN Nghi Lâm hiện nay là cung ứng phân bón, hạt giống cây trồng và công tác bảo vệ thực vật. Để làm tốt những nội dung dịch vụ này, HTX NN Nghi Lâm đã đầu tư xây dựng cửa hàng, kho cất giữ bảo quản hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo nghiệp vụ cho các nhân viên bán hàng hiểu biết cơ bản về kỹ thuật sử dụng giống cây trồng, phân bón và thuốc trừ sâu bệnh các loại để hướng dẫn cho bà con nông dân khi mua hàng. Những nội dung dịch vụ này rất được lòng dân. Nhờ vậy hàng năm HTX NN Nghi Lâm đã cung ứng cho bà con nông dân trong xã gần 20 tấn giống lúa, lạc, hơn 350 tấn phân bón các loại và thường xuyên đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cần thiết để phòng chống sâu bệnh các loại.

Không những hoạt động tốt về các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương, HTX NN Nghi Lâm còn liên kết tốt với một số doanh nghiệp có uy tín lớn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống cây trồng như: Tổng công ty giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình để ký kết hợp đồng nhân giống lúa tại địa phương. Bằng cách làm này, mỗi năm HTX NN Nghi Lâm đã cùng với bà con nông dân khoanh vùng 120 ha để nhân các giống lúa KD18, BC15, Thiên ưu 8 cho 2 Tổng công ty nói trên với sản lượng hạt giống thu được mỗi năm từ 350 - 400 tấn để bán lại cho 2 Tổng công ty đó.

Bằng nhiều hoạt động dịch vụ khác nhau, những năm gần đây HTX NN Nghi Lâm đạt doanh thu hơn 8 tỉ đồng, trả lương bình quân cho mỗi cán bộ của HTX 2,5 – 3 triệu đồng/tháng và sử dụng một phần nguồn tài chính có được vào việc xây dựng một số cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Với sự năng động, sáng tạo và kịp thời chuyển đổi hoạt động thích ứng với cơ chế thị trường, các HTX tại Nghệ An ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.

Hiền Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực