(ĐCSVN) - Sau một thời gian thí điểm xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại các tỉnh phía Nam đạt hiệu qua cao, Bộ NN&PTNT có chủ trương nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Do đó, mới đây, Bộ đã có Thông tư 354/BNN-TT gửi UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc đề nghị nhân rộng mô hình thí điểm này ở các địa phương.
Cánh đồng mẫu lớn đem lại lợi ích hài hòa cho cả doanh nghiệp và nông dân. Ảnh HH
|
Theo Bộ NN&PTNT, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” cũng là giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Do đó, Bộ NN&PTNT chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước.
Để mở rộng phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương triển khai xây dựng mô hình từ năm 2012 và những năm tiếp theo. Trong đó, Bộ yêu cầu trong điều kiện ở phía Bắc, “cánh đồng mẫu lớn” cần hướng tới các tiêu chí chủ yếu là có diện tích đủ lớn, được “dồn điền, đổi thửa”, cơ sở hạ tầng phù hợp để áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ; có doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu.
Trên “cánh đồng mẫu lớn”, nông dân được tổ chức lại, cùng nhau áp dụng giống mới, quy trình sản xuất phù hợp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; cùng nhau quản lý sản xuất, thực hiện các dịch vụ chung thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.
Từ “cánh đồng mẫu lớn” dần hình thành những người nông dân mới biết gắn sản xuất với thị trường, ghi chép hạch toán hiệu quả sản xuất, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” cần ưu tiên cây lúa và các cây trồng có thị trường, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trên cơ sở nông dân tự nguyện và có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông, đảm bảo hài hòa quyền lợi nông dân cũng như của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia.
Trên cơ sở điều kiện cụ thể của địa phương, cụ thể hóa quy mô, tiêu chí “cánh đồng mẫu lớn” cho phù hợp với tiêu chí chung; chủ động kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, khuyến nông tham gia thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tư vấn tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cũng như giới thiệu, áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trên “cánh đồng mẫu lớn”.
UBND các tỉnh tổ chức vận động nhân dân “dồn điền, đổi thửa”, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi; tập hợp, liên kết nông dân, tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng mô hình; xây dựng quy trình canh tác phù hợp trên cơ sở thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP)
Được biết, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã được thí điểm thực hiện từ đầu năm 2011 ở các tỉnh phía Nam cho thấy hiệu quả cao, đến nay đã có 20 tỉnh tham gia với diện tích đạt gần 19 nghìn ha./.