(ĐCSVN) – Mới đây, trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành các chương trình, chính sách do Chính phủ ban hành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội cho phép triển khai Chương trình 135 Giai đoạn 2016 – 2020.
|
Hỗ trợ sản xuất là một trong những mục tiêu của Chương trình 135 |
Trong văn bản giải trình đã khẳng định Chương trình 135 được Chính phủ hết sức quan tâm. Năm 1998, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép triển khai Chương trình theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa. Giai đoạn I của Chương trình 135 được thực hiện từ năm 1998 – 2005.
Năm 2006, do chuẩn nghèo được nâng lên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 tiếp tục quyết định kéo dài Chương trình135 thêm 5 năm, từ năm 2006 đến năm 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II).
Giai đoạn 2011 – 2015, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã hoàn thành. Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chương trình nhưng chỉ là một dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Theo Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình được thực hiện trong 2 giai đoạn: giai đoạn 2012 – 2015 và 2016 – 2020, trong đó, giai đoạn 2012 – 2015 tập trung nguồn lực góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu cao hơn trong giai đoạn 2016 – 2020.
Trong Quyết định số 551/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định mức vốn đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 như sau: năm 2012, 2013 thực hiện theo định mức và vốn được phân bổ; năm 2014 và 2015, tăng 1,5 lần so với định mức năm 2013, các năm tiếp theo bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, trong mấy năm gần đây, cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, chi đầu tư kế hoạch năm 2014 giảm 7% so với năm 2013 trong khi các năm trước đều tăng. Do đó, nhiều chương trình, trong đó có cả Chương trình 135 không cân đối đủ nguồn lực để áp dụng định mức mới. Về phía Chính phủ trong công tác điều hành luôn ưu tiên cân đối bố trí đủ nguồn lực cho các xã mới của Chương trình. Riêng năm 2014, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thêm 750 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2013.
Có thể khẳng định, Chương trình 135 đã được Chính phủ hết sức quan tâm, mức vốn bố trí cho chương trình trong tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước rất lớn. Giai đoạn 2013 – 2015, ngân sách nhà nước giao 31.065 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản bổ sung trong năm. Trong từng giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đều quy định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Kết thúc mỗi giai đoạn đều tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Chính phủ khẳng định với quyết tâm đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuy không thể bố trí đủ kinh phí để thực hiện theo định mức hỗ trợ cao hơn so với năm 2013 nhưng toàn bộ các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được bổ sung mới trong năm 2014 đều được ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, trong 5 năm tới (2016 - 2020), Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện Chương trình 135. Để hạn chế việc ban hành chính sách nhưng không bố trí đủ nguồn lực thực hiện, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết, theo đó chỉ ban hành chính sách mới khi đã xác định và cân đối được nguồn; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát các chính sách đã ban hành, sắp xếp thứ tự ưu tiên để tập trung bố trí, hoàn thành dứt điểm các mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách.