Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020

Thứ ba, 10/11/2015 09:34

(ĐCSVN) – Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vào năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội.

   

 Hội thảo bàn các giải pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền
vững. Ảnh: VL


Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, trong đó chủ yếu tập trung vào việc chính sách giảm nghèo cần điều chỉnh để phù hợp mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ người dân thoát nghèo; các chính sách liên quan cần được sắp xếp, điều chỉnh để tập trung, tránh phân tán, chồng chéo gây lãng phí…

Đánh giá của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, việc thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 đạt được những kết quả quan trọng; tác động toàn diện đến quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược quốc gia và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức. Sang giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ phấn đấu hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính để người dân thuận lợi tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.

* Trước đó, tại TP.HCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam với chủ đề “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cũng như các địa phương đối với công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những mặt khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhiều ý kiến góp ý chủ yếu tập trung vào việc, hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức ở một số địa phương còn chưa được chú trọng. Một bộ phận hộ nghèo, xã nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo. Trong khi đó, hệ thống chính sách hiện nay vẫn còn chồng chéo, bất cập. Kinh phí bố trí cho một số chính sách, dự án (như khuyến nông - lâm - ngư, dạy nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình) tập trung cho các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập, gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.
 
Từ thực tế trên, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương xuống địa phương; rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách trợ giúp xã hội hiện hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo;…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực