(ĐCSVN) – Huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Sau 5 năm thực hiện các chương trình, chính sách về giảm nghèo, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi (Chương trình 135), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể từ 8.205 hộ (năm 2011) xuống còn 4.838 hộ (năm 2015).
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với giảm nghèo
Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) có 14 dân tộc cùng chung sống, gồm: Tày, Kinh, Nùng, Hoa, Sán Chay, Thái, Mường, Dao…, trong đó tỷ lệ DTTS chiếm tới 70,13%. Với đặc thù là một huyện miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện luôn gắn liền phát triển kinh tế xã hội với việc thực hiện công tác dân tộc và triển khai các chương trình, chính sách về giảm nghèo.
Theo báo cáo của UBND huyện Định Hóa, năm 2011 tổng số hộ nghèo của huyện là 8.205 hộ, chiếm tỷ lệ 28,01%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là DTTS chiếm 70,1%; số hộ cận nghèo là 5.741 hộ, chiếm tỷ lệ 23,77%. Đến năm 2015, tổng số hộ nghèo của huyện giảm còn 4.838 hộ, chiếm tỷ lệ 18,94%; số hộ cận nghèo là 8.653 hộ, chiếm tỷ lệ 33,88%.
Như vậy, sau gần 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể, trong khi hộ thoát nghèo để vươn lên thành hộ cận nghèo không ngừng tăng theo từng năm. Để có được những kết quả này, trong những năm qua, huyện đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, qua đó tạo điều kiện giảm bớt những khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hơn nữa, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, Huyện ủy Định Hóa đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng Chương trình giảm nghèo cho cả giai đoạn, tăng cường trách nhiệm, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Riêng đối với công tác dân tộc, trong chỉ đạo điều hành, UBND huyện còn chú trọng tăng cường phân cấp cho các xã thực hiện làm chủ đầu tư một số dự án thuộc chương trình phù hợp với khả năng, năng lực của từng địa phương; chỉ đạo UBND các xã vùng thụ hưởng chính sách thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý để chỉ đạo và quản lý thực hiện các dự án, chính sách. Việc chọn đối tượng thụ hưởng chính sách cũng được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và lựa chọn, bình xét từ cấp xóm, xã theo thứ tự ưu tiên đảm bảo đúng quy trình. Nhờ thế, công tác dân tộc trong những năm qua được tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
|
Nương chè của huyện Định Hóa từ nguồn vốn hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất (thuộc Chương trình 135) |
Hiệu quả thiết thực từ các chương trình, chính sách giảm nghèo
Chương trình 135 là một chủ trương lớn của Đảng, nhà nước được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo với quyết tâm cao đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở những địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), giải quyết các yêu cầu bức xúc của nhân dân về sản xuất, đi lại, điện nước, học hành, chăm sóc sức khỏe..., do vậy đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Sau 5 năm thực hiện (2011 – 2015) trên địa bàn huyện Định Hóa, Chương trình cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, với tổng kinh phí thực hiện 115.732,6 triệu đồng dành cho hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng, hàng năm, UBND huyện đã tổ chức lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn 23 xã ĐBKK và các thôn xóm ĐBKK của huyện nhằm từng bước đáp ứng được yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, chất lượng thi công xây dựng các công trình đều bảo đảm tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy trình thi công của Nhà nước qui định. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên tại hiện trường; thành phần giám sát thi công, ngoài Ban Giám sát cộng đồng của xã còn có cán bộ tăng cường từ huyện về giúp địa phương, do vậy chất lượng thi công xây dựng các công trình đều đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Theo đánh giá của ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, các công trình được đầu tư đã giúp nhân dân, con em học sinh trên địa bàn huyện thuận tiện hơn trong việc đi lại, nhất là trong mùa mưa lũ; thuận lợi trong việc sử dụng các phương tiện vận tải, lưu thông hàng hóa. Đối với lĩnh vực giáo dục, các công trình được đầu tư đã tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS được học tập tại các trường lớp khang trang, xóa bỏ tình trạng học nhờ, học tạm và lớp học tranh tre, dột nát…
Đối với hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất (thuộc Chương trình 135), tổng kinh phí thực hiện chính sách trong 5 năm qua là 19.550 triệu đồng. Các chỉ tiêu hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất bao gồm: hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến hàng hóa nông sản; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả; hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần hỗ trợ vốn, kỹ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân mà trực tiếp hưởng lợi là các hộ nghèo thuộc các xã 135, xóm ĐBKK trên địa bàn huyện. Đồng thời góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ổn định sản xuất và đời sống.
Ngoài Chương trình 135, nhiều chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội khác cho người dân thuộc vùng ĐBKK trên địa bàn huyện cũng được tiến hành song song như: chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK theo Quyết định số 755/QĐ-TTg; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo… Qua đó giúp đồng bào DTTS có thêm nguồn vốn tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống, theo đó đã góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương vùng núi, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Đặc biệt trong những năm gần đây, đồng bào vùng DTTS, vùng ĐBKK đã tự túc được lương thực, không còn tình trạng trông chờ vào các chính sách cứu đói khi giáp hạt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong thực hiện các Chương trình, chính sách vùng DTTS miền núi, vùng ĐBKK của huyện vẫn bộc lộ một số tồn tại như: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao (năm 2014 số hộ nghèo toàn huyện là 5.727 hộ, chiếm tỷ lệ 22,72%; trong đó số hộ nghèo người DTTS là 4.174 hộ). Kết cấu cơ sở hạ tầng mặc dù được đầu tư nhưng vẫn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu; công tác quản lý duy tu các công trình sau đầu tư còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt tập trung. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số nhà trường đã xuống cấp do được đầu tư từ nhiều năm trước đã hết hạn sử dụng…
Đứng trước những thách thức, khó khăn, cấp ủy, chính quyền huyện Định Hóa xác định phải tiếp tục tăng cường hơn nữa thực hiện các chương trình, chính sách về giảm nghèo, trong đó có Chương trình 135. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện sẽ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, kết hợp với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn để công tác giảm nghèo đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới./.