Mậu Lâm: Nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện Chương trình 135

Thứ hai, 03/08/2015 16:03

(ĐCSVN) - Mậu Lâm là xã miền núi thấp thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa với 07 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014 - 2015. Dân số xã Mậu Lâm có 8.643 khẩu, 1.972 hộ gia đình, gồm 4 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51,5%). Ngành nghề chính của người dân là sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc. Bình quân thu nhập hằng năm 7-12 triệu đồng/người/năm. Nhìn chung mức thu nhập của người dân còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 42,4%.

Mậu Lâm có địa hình tự nhiên rất phức tạp, có con khe cái chạy dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam chia cắt xã thành hai vùng rõ rệt. Vì vậy, giao thông đi lại rất khó khăn về mùa mưa lũ. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đa phận là ruộng bậc thang, ghềnh, trũng, manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến người nông dân vẫn còn sản xuất theo truyền thống mang nặng tính tự cung, tự cấp, hạn chế việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đẩy nhanh cơ giới đồng ruộng.

 

Công trình Nhà văn hoá làng Rộc Môn, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, Thanh Hóa
được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 


Năm 2008, xã Mậu Lâm có thôn Rộc Môn là đơn vị thuộc diện đầu tư của chương trình 135. Đến năm 2013 theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 - 2015", xã Mậu Lâm có 7 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, đồng thời là xã khu vực III giai đoạn 2014 - 2015. Chương trình 135 là một chủ trương của Đảng, nhà nước được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo với quyết tâm cao đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các thôn đặc biệt khó khăn, giải quyết các yêu cầu bức xúc của nhân dân về sản xuất, đi lại, điện nước, học hành, chăm sóc sức khỏe... nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Các dự án chính sách đã đầu tư đúng đối tượng, không thất thoát, phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo, thể hiện mối quan tâm của Đảng, nhà nước đối với nhân dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Sau khi có Quyết định phân bổ vốn đầu tư Chương trình 135 của cấp trên đối với cơ sở, UBND xã Mậu Lâm có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Cơ sở. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên của các Ban đều phát huy chức trách nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền thực hiện theo nguyên tắc dân chủ công khai và thực hiện các chương trình, dự án như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triền sản xuất có sự tham gia bàn bạc của người dân từ bước lập kế hoạch, lựa chọn hạng mục đầu tư đến giám sát chất lượng thi công, nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng, đã phát huy hiệu quả thiết thực. Ngoài ra ý kiến đóng góp của nhân dân còn góp phần quan trọng trong việc lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp với nguyện vọng của người dân, ảnh hưởng tích cực tới tâm lý người dân, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sử dụng, bảo quản nguồn vốn được hỗ trợ, đầu tư.

  

Công trình kênh mương nội đồng thôn Rộc Môn,
xã Mậu Lâm,huyện Như Thanh,Thanh Hóa

Trong năm 2015, nguồn vốn được Trung ương hỗ trợ cho xã Mậu Lâm là hơn 4 tỷ đồng. Trong đó về đầu tư phát triển sản xuất 550 triệu đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng thôn đặc biệt khó khăn 3,07 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp 2 công trình đường giao thông nông thôn, 2 công trình kiên cố hoá kênh mương, xây mới 4 công trình nhà văn hoá thôn và sửa chữa nâng cấp 2 công trình; Duy tu sửa chữa các công trình 292 triệu đồng, đầu tư sửa chữa nhà điều trị trạm y tế xã Mậu Lâm, sửa chữa nhà hiệu bộ trường tiểu học Mậu Lâm 1, cải tạo 2 phòng thư viện thiết bị trường Tiểu học Mậu Lâm 2.

Theo Quyết định phân bổ vốn đầu tư Chương trình 135, xã Mậu Lâm được giao làm chủ đầu tư đối với các công trình thực hiện trên địa bàn xã. Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 được cấp ủy, chính quyền thực hiện theo nguyên tắc dân chủ công khai và tăng cường sự tham gia của người dân. Việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có sự tham gia bàn bạc của người dân từ bước lập kế hoạch, lựa chọn hạng mục đầu tư đến giám sát chất lượng thi công, nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng đã phát huy hiệu quả thiết thực. Ngoài ra ý kiến đóng góp của nhân dân còn góp phần quan trọng trong việc lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng nhân dân, nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sử dụng, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ, đầu tư.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai Chương trình 135 trên địa bàn xã, cấp ủy, chính quyền xã Mậu Lâm tự nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, mục đích của việc thực hiện Chương trình 135 ở một số thôn còn chưa tốt, nhận thức của người dân và một số bộ phận cán bộ chưa được nâng cao, ý thức cộng đồng tham gia xây dựng, quản lý, sử dụng công trình còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Hiệu quả hoạt động của Ban Giám sát cộng đồng còn hạn chế, trình độ và năng lực cán bộ giám sát chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chương trình 135 trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Mậu Lâm tha thiết đề nghị các cấp quản lý tiếp tục quan tâm hơn nữa trong thực hiện chính sách dân tộc, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch, giám sát các chương trình, dự án để đạt được hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, đề nghị cấp có thẩm quyền xét nâng định mức duy tu bảo dưỡng các công trình bảo đảm 10% trở lên. Để đời sống nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện nâng cao, góp phần giảm nghèo, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân ở các thôn đặc biệt khó khăn của xã Mậu Lâm nói riêng và các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên cả nước nói chung.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực