Những thành tựu giảm nghèo sau 5 năm thực hiện chính sách dân tộc 2011-2015

Thứ sáu, 27/11/2015 15:07

(ĐCSVN) - Sau 5 năm, công tác dân tộc đã có những thành tựu khả quan. Kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể. Nhờ các nguồn lực đầu tư được ưu tiên hơn so với giai đoạn trước góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DTTS&MN.

Những kết quả đáng mừng

Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau 5 năm triển khai các chương trình dự án, chính sách dân tộc, đã có 4/5 xã thoát khỏi xã ĐBKK. Đời sống vật chất và tinh thần của ĐBDTTS ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên; cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ĐBDTTS, vùng ĐBKK được đầu tư và phát huy hiệu quả, ấp ứng nhu cầu đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa vùng ĐBDTTS. 100% ĐBDTS nghèo và đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn các xã khó khăn, ĐBKK được mua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 5%, đầu năm 2011 số hộ nghèo trong ĐBDT là 1.588 hộ chiếm 25% số hộ đồng bào DT, đến năm 2015 còn 331 hộ, chiếm 4,7%.

 

 Công trình 135 giúp bà con bản Pa Chong (Minh Hóa - Quảng Bình) có nước sạch sử dụng
Ảnh: TH

Đối với tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn được triển khai kịp thời, giúp bà con có nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Từ năm 2010 - 2014, kinh phí thực hiện hỗ trợ trực tiếp các mặt hàng thiết yếu cho người dân thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/ QĐ-TTg là 19.094,8 triệu đồng. Nhờ đó, số hộ nghèo toàn vùng đồng bào DTTS trong tỉnh giảm rõ rệt, từ 27,27% đầu năm 2011 xuống còn 18,30% đầu năm 2015; thu nhập bình quân đầu người từ 6,5 triệu đồng/người/năm năm 2006 tăng lên 16,5 triệu đồng năm 2012 và đến cuối năm 2014 là 18,2 triệu đồng.

Kết quả giảm nghèo vùng DTTS cũng thể hiện rõ ở tỉnh Trà Vinh, với mức giảm bình quân trên 4%/năm, đến nay, toàn tỉnh còn 28.430 hộ nghèo, chiếm 10,66% so với tổng số hộ chung (giảm 9,67%), trong đó có 16.310 hộ nghèo Khmer, chiếm 19,21% so với tổng số hộ Khmer (giảm 21,13%); 22.730 hộ cận nghèo, chiếm 8,53% (giảm 3,6% so với năm 2010), vượt mức kế hoạch đề ra.

 

Còn theo số liệu về các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban Dân tộc tổng hợp, 5 năm qua, đã có gần 136.000 tỷ đồng kinh phí cấp cho vùng DTTS&MN cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng miền núi phía Bắc đạt hơn 10%, miền Trung và Nam bộ 12%, Tây Nguyên là 12,5%. Kết cấu hạ tầng cũng thay đổi rõ rệt. 70% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, 80% thôn bản thuộc xã ĐBKK có đường giao thông đến trục, gần 90% số xã ĐBKK có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với gần 70% số hộ được dùng điện. Hầu hết các xã có trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa được xây dựng kiên cố. Tính đến hết tháng 8/2015, đã có 150 xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình giảm nghèo vùng DTTS&MN được thực hiện theo Nghị quyết số 80/NQ-CP, QĐ 1489/QĐ-TTg và các chương trình, chính sách giảm nghèo khác phát huy hiệu quả. Qua 5 năm thực hiện, các chương trình, chính sách giảm nghèo tiếp tục hoàn thành mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 5,97% so với 2011. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 50,97% đầu năm 2012 xuống còn 32,59% cuối năm 2014. Giảm tỷ lệ nghèo các xã, thôn ĐBKK từ tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo 55% (2012) xuống còn 45%, bình quân mỗi năm giàm 3,5%.

Công tác giáo dục vùng DTTS đã có nhiều tiến bộ. 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trong đó 84,6% trường lớp học được xây dựng kiên cố, không còn tình trạng xã trắng về giáo dục. 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học. Tất cả các tỉnh vùng DTTS&MN đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ.

100% số xã có trạm y tế. Đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí. 90% số xã phủ sóng phát thanh truyền hình, 80% có sóng truyền hình.

Về chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm: có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện dạy nghề cho đồng bào DTTS. Trong 5 năm có 437.316 người DTTS được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956, chiếm 20,1% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Hiện có 1359 học sinh DTTS tốt nghiệp các trường trung học DTNT được đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nội trú. Có 12/64 tỉnh, thành phố thực hiện hỗ trợ cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài với tổng số lao động xuất khẩu người DTTS là 1.080 (đạt 0,9%).

Những còn nhiều hạn chế, bất cập

Theo báo cáo nêu ra, mặc dù tỷ lệ giảm nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, song kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi 60-70%. Chênh lệch giàu nghèo về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên và các vùng còn lại; giữa người DTTS với người Kinh – Hoa. Năm 2014, hộ nghèo DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước (so với 14% tỷ trọng dân số là DTTS). Các xã ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo là 45%, cá biệt có những xã, thôn bản, nhóm dân tộc ít người tỷ lệ hộ nghèo lên tới 90%.

Còn 535/1848 xã chưa có đường nhựa đến trung tâm xã, chỉ đi được mùa khô. 14.093 thôn, bản chưa có đường ô tô; 204/848 xã chưa có điện lưới quốc gia dến trung tâm xã và 8.100 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 304 xã ĐBKK chưa đủ lớp học kiên cố; 15.930 thôn, bản chưa có nhà trẻ, mẫu giáo; 758 xã chưa có nhà văn hóa…. 21% người DTTS không biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Số người trong độ tuổi lao động của vùng chưa qua đào tạo chiếm 89,5%, riêng DTTS chiếm 94,2%.

Việc thực hiện dạy nghề cho người lao động DTTS chưa đạt hiệu quả. Phần lớn nghề đào tạo cho người DTTS là nông nghiệp (60%). Sau học nghề, người DTTS chủ yếu tiếp tục làm nghề cũ tại địa phương, ít có sự thay đổi việc làm.

Với hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ cơ sở chất lượng còn hạn chế. Trong tổng số 48.200 cán bộ DTTS cấp xã, số người có trình độ THCS chiếm 45%, tiểu học là 18,7%, chỉ có 1,9% có trình độ cao đẳng và đại học.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, những hạn chế, bất cập trên đây do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, các chính sách dân tộc cơ bản là đúng, phù hợp, nhưng chính sách ban hành có thời gian thực hiện ngắn, nguồn lực không đảm bảo nên hiệu quả đạt được thấp. Có chính sách định mức thấp, vốn cấp không đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, hệ thống chính sách còn tản mạn, nhiều văn bản quản lý chưa đồng bộ, nhất là chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, do cơ chế chưa phù hợp. Nhiều chính sách chưa phù hợp với vùng DTTS&MN như chính sách đào tạo nghề…

Cơ chế thực hiện chính sách còn bất cập: từng chương trình, chính sách đều có cơ chế quản lý, thanh quyết toán riêng biệt nên khó lồng ghép thực hiện tại địa phương, chưa có cơ chế khuyến khích cũng như chế tài xử phạt đối với các địa phương thực hiện tốt và chưa tốt chính sách.

Về nguồn lực: bố trí vốn cho các chính sách tuy có tăng hơn giai đoạn trước nhưng nguồn kinh phí chưa được chủ động, chậm và chưa bảo đảm các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt, mới chỉ đáp ứng 40-60% kế hoạch. Kinh phí bố trí thực hiện các chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS&MN, vùng ĐBKK chỉ chiếm 12,8%.

Việc phân công chủ trì các chương trình còn chồng chéo (Chương trình 135 do UBDT thực hiện, Chương trình 30a do Bộ khác chỉ đạo) gây khó khăn cho quản lý, thực hiện.

Như vậy, kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã ĐBKK, vùng DTTS nhưng nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 70%. Khó khăn của người DTTS vẫn còn nhiều, sự chênh lệch không chỉ về thu nhập mà cơ hội phát triển giữa vùng DTTS và các vùng khác còn lớn. Một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đói, nhất là vào nhưng tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai.

Những kinh nghiệm từ thực tiễn

Có được những thành tựu trên, tỉnh Trà Vinh đã rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân tộc: Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục vận động đồng bào phát huy dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, người dân trong thực hiện chính sách dân tộc; quan tâm giải quyết tốt những bức xúc của đồng bào, vận động đồng bào nêu cao ý thức tự lực, tự cường để vươn lên trong cuộc sống, thì nơi đó thực hiện tốt và phát huy tối đa hiệu quả của chính sách dân tộc; Thứ hai, trong quá trình thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn có liên quan, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, thì hiệu quả thực hiện chính sách càng cao; Thứ ba, coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò người có uy tín, thì nơi đó triển khai, thực hiện tốt chính sách dân tộc.

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Thanh Dũng cho rằng, để làm tốt công tác dân tộc, phải coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Làm tốt công tác tuyên truyền cho đồng bào biết và hiểu đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thực hiện. Nắm tâm tư nguyện vọng của bà con để giải quyết vấn đề trên cơ sở khoa học và thực hiện. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sách tình hình thực hiện các chính sách dân tộc, qua đó biểu dương những địa phương làm tốt, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những ngành, đơn vị chưa làm tốt.

Còn theo Ủy ban Dân tộc, để tiếp tục phát huy thành quả đạt được, cần khắc phục hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn qua, chính sách dân tộc phải đồng bộ, đa mục tiêu; giảm đầu mối văn bản quản lý, được kết nối chặt chẽ; đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó NSNN là chủ đạo. Phân cấp mạnh cho địa phương, nâng cao vai trò giám sát, tham gia của người dân; tiếp cận giảm nghèo theo hướng đa chiều; tính ưu tiên trong từng chính sách cần có nội dung rõ cả về chính sách, cơ chế và nguồn lực. Theo đó, trong giai đoạn tới, Ủy ban sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến chính sách dân tộc và đội ngũ cán bộ DTTS. Trước mắt, Ủy ban Dân tộc đang đề nghị Chính phủ cho phép triển khai các chương trình, chính sách như: chính sách về đẩy mạnh nâng cao nguồn nhân lực vùng DTTS&MN; chính sách phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực