|
Nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: D.L/Báo Quảng Nam |
(ĐCSVN) - Tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn huyện nghèo. Để quyết tâm thực hiện mục tiêu đó, Quảng Nam xác định phải tiếp tục hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Quảng Nam phấn đấu duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn tỉnh mỗi năm từ 2,0% - 2,5%, trong đó khu vực đồng bằng (9 huyện, thị, thành phố) giảm ít nhất từ 1,5% - 2%/năm, khu vực miền núi giảm ít nhất 5%/năm; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo mỗi năm từ 1,5 - 2%. Các huyện nghèo, xã nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm ít nhất 6%.
Cùng với đó, tất cả hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn; hỗ trợ lãi suất cho hộ cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp. 100% hộ nghèo trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm sẽ được ưu tiên học nghề, giới thiệu việc làm; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh tại các huyện nghèo, xã và thôn ĐBKK, nhất là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Được biết, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đạt bình quân 3,04%/năm; nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Việc giải quyết kịp thời, đúng quy định những vấn đề bức xúc của hộ nghèo, cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn… luôn được chú trọng đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và thoát nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước (năm 2015, Quảng Nam còn dưới 9%, cả nước 5%). Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi còn khá lớn (đồng bằng: 4%, miền núi: 32%); số lượng xã nghèo, huyện nghèo nhiều, vẫn còn 2 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%, 4 huyện có tỷ lệ nghèo trên 40%...