(ĐCSVN) - Trong 5 năm 2011 - 2015, 158 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 đã giúp 25 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và xã biên giới tỉnh Quảng Ninh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình 135 đã góp phần nâng cấp và kiên cố hoá 112 công trình trong tỉnh với số vốn trên 80 tỷ đồng, trong đó có 46 công trình giao thông; 11 nhà văn hoá; 22 công trình thuỷ lợi; 19 công trình nước sinh hoạt tập trung; 12 công trình trường học... Bên cạnh đó, các xã ĐBKK trên địa bàn tỉnh đã nhận trên 11 tỷ đồng để triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 7.300 hộ dân. Từ nguồn vốn này, các hộ dân đã được hỗ trợ 5,4 tấn giống lúa lai; 315,54 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trên 3.200 con gia súc, 26.000 con gia cầm; sửa chữa 2 công trình thuỷ lợi và 59 chuồng trại phục vụ chăn nuôi; 329 bộ máy móc công cụ sản xuất; tổ chức 11 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông, lâm nghiệp…
|
Công trình đường giao thông vào Bản Gianh, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên Ảnh: Quangninh.gov.vn |
Đặc biệt, Ban Dân tộc của tỉnh, cơ quan thường trực Chương trình 135 đã trực tiếp giao nguồn vốn Chương trình 135 cho một số cơ quan, đơn vị để xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Tiêu biểu như mô hình trồng cam cho 11 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) do Hội Nông dân tỉnh triển khai; mô hình chăn nuôi gà, lợn ở các xã Quảng Sơn, Quảng Đức (huyện Hải Hà) do Hội LHPN tỉnh triển khai; mô hình nuôi gà lương phượng thả vườn cho 40 hộ dân tại xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) triển khai. Cùng với đó, các địa phương còn sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để hỗ trợ cho bà con dân tộc ở các xã ĐBKK phát triển sản xuất, thay đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập. Nhờ hệ thống đường giao thông ngày càng phát triển, giao thương hàng hoá giữa các địa phương ngày càng thuận lợi, các công trình an sinh xã hội được xây dựng đã góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở các xã thuộc chương trình.
Song song với phát triển sản xuất, Chương trình 135 còn đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực, trình độ cán bộ cơ sở. Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường phổ cập kiến thức, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông, lâm nghiệp... cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản để họ tuyên truyền tổ chức thực hiện và vận động nhân dân tham gia. Toàn tỉnh đã tổ chức được 14 lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn, bản, kinh phí 480 triệu đồng.
Mặc dù được hỗ trợ, đầu tư lớn, nhưng các xã 135 vẫn còn hết sức khó khăn: Thu nhập bình quân người/năm của các xã vùng dân tộc miền núi chỉ bằng hơn 30% thu nhập bình quân chung của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc miền núi còn cao (tỉ lệ nghèo ở 22 xã khu vực III là 16,34%, gấp gần 10 lần tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh). Do đó, trong những năm tới, rất cần tiếp tục có nguồn vốn Chương trình 135 để đưa các xã ra khỏi diện ĐBKK, giảm khoảng cách giữa vùng ĐBKK với khu vực đồng bằng, đô thị. Ngoài ra, việc tạo thêm các nguồn lực khác trong xã hội, hỗ trợ từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới, tăng cường công tác tuyên truyền… để tạo động lực, làm thay đổi nhận thức của người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.