Sự cần thiết thực hiện Chương trình mục tiêu đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2016 - 2020

Thứ hai, 12/10/2015 11:23

(ĐCSVN) - Các Chương trình, dự án giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta qua hơn 10 năm qua đã làm thay đổi rõ rệt kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN), góp phần kéo gần khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng. Việc tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đối với vùng DTTS và ĐBKK là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hỗ trợ, xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào DTTS

Trong giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư; cho vay vốn phát triển sản xuất… cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn đã thu những kết quả đáng ghi nhận: Chương trình đã hỗ trợ được 373.400 nhà ở, 93.712 hộ thiếu đất ở; hỗ trợ cho 107.590 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích đạt 4.519ha, cho trên 1000 hộ chuyển đổi nghề. Xây dựng 1.872 công trình nước sinh hoạt tập trung (57.399 hộ được hưởng lợi) và hỗ trợ nước phân tán cho 32.646 hộ. Đã hoàn thành định canh định cư cho 19.387 hộ với 86.538 nhân khẩu, hoàn thành 41/44 điểm tập trung và 107 dự án xen ghép. Hỗ trợ cho 31.047.909 lượt người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn trên địa bàn 57 tỉnh. Hỗ trợ cho 123.954 hộ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh phí thực hiện là 43,392 tỷ đồng. Các chính sách đã góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn bức xúc nhất về đời sống và sản xuất cho đồng bào DTTS, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự do, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trong vùng DTTS.

   

 Đắk Nông: các chương trình hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát huy hiệu quả
Ảnh: Thu Hà


Sự cần thiết phải ban hành Chương trình

Thời gian qua các chính sách giảm nghèo mới dừng lại ở mức độ giảm nghèo về thu nhập, mức sống, chưa chú trọng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều; tốc độ giảm nghèo chậm và không bền vững. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên:

Một là: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn chiến lược của đất nước, nhưng cũng là địa bàn có nhiều khó khăn nhất, là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xuyên xảy ra thiên tai, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây rối làm mất ổn định an ninh, quốc phòng của đất nước. Đồng bào DTTS và địa bàn vùng DTTS cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, khai khoáng...; nhất là các công trình có di dân; công tác di dân tái định cư các công trình thủy điện khiến đời sống và sinh kế của đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề.

Hai là, các chính sách tại thời điểm ban hành cơ bản là đúng, tuy nhiên hệ thống chính sách dân tộc còn nhiều hạn chế, bất cập như chính sách còn tản mạn, nhiều đầu mối văn bản, nguồn lực để thực hiện chính sách được bố trí không đáp ứng được so với nhu cầu. Nhiều chính sách hết hiệu lực vào năm 2015 nhưng mục tiêu không đạt, nhu cầu thực hiện chính sách còn rất lớn như Quyết định: 755/QĐ-TTG, 29/2013/QĐ-TTg, 1342/QĐ-TTG, 33/2013/QĐ-TTg, 54/2012/QĐ-TTg.

Một số chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế. Có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính chất hỗ trợ, chưa đủ mạnh để làm chuyển biến vùng khó khăn và ĐBKK. Có chính sách chưa phù hợp với vùng miền. Việc lồng ghép chính sách trong triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương chưa được đảm bảo. Có chính sách đang còn hiệu lực nhưng không còn phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung (QĐ 102/QĐ-TTG).

Ba là, xuất phát điểm thấp, nghèo đói, chậm phát triển và nguồn nhân lực thấp vẫn là những tồn tại dai dẳng trong đồng bào dân tộc thiểu số: Dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số nhưng tỷ lệ đói nghèo chiếm hơn 50% hộ nghèo của cả nước. Các xã, thôn ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%; cá biệt có những xã, thôn, bản, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người tỷ lệ nghèo lên tới 90%, chất lượng nguồn nhân lực trong các DTTS còn thấp, có tới 89,5% số người trong độ tuổi lao động của vùng DTTS&MN chưa qua đào tạo; 21% người DTTS (trong độ tuổi đi học trở lên) không biết đọc, biết viết chữ phổ thông.

Đến nay vẫn còn 378.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, 239.000 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề; 614.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt, nhu cầu tổ chức định canh định cư cho trên 29.000 hộ và 244.000 hộ đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển.

Bốn là, xây dựng chương trình mục tiêu đặc thù riêng cho đồng bào DTTS là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, như tại các văn bản: Quyết định số 2324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc "rà soát, đề xuất và bổ sung các chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS" và Thông báo số 63/TB-VPCP, Thủ tướng chỉ đạo "Đối với các dự án đang thực hiện dở dang đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2011-2015: tiếp tục hỗ trợ theo tỷ lệ cũ đã được thẩm định, không phân biệt quy mô dự án, cho đến khi hoàn thành không áp dụng cơ chế mới"….

Trước khi xây dựng Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã lấy ý kiến trực tiếp của 30 tỉnh, văn bản góp ý của các tỉnh (34 tỉnh), ý kiến 5 Bộ đều thống nhất với chủ trương tiếp tục thực hiện các chính sách còn đang dở dang và xây dựng thành chương trình mục tiêu cho đồng bào DTTS và đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Từ đó, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Chương trình mục tiêu đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, đặc biệt chú trọng giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số: Bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo; các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Đông Trường Sơn, vùng căn cứ cách mạng phấn đấu mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; xóa nhà ở dột nát, trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng lên gấp 4 lần so với hiện nay; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất, nước phục vụ sản xuất.

Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS khó khăn

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, các chính sách mà chúng ta đang thực hiện có tác động trực tiếp đến đời sống của đồng bào DTTS, đang phát huy tốt hiệu quả, tuy nhiên hiện nay còn nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng chính sách, cần tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 và không trùng lắp với các chính sách khác do các Bộ, ngành quản lý, phù hợp với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc xây dựng và thực hiện Chương trình là điều rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung, không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc theo quy định của Hiến pháp. Do đó, Ủy ban Dân tộc đề nghị Chương trình mục tiêu được ghi vào kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
 

 

 Người dân  vùng cao Hà Giang sử dụng chương trình nước sạch
 do Chương trình hỗ trợ Ảnh: VH


Chương trình chia ra 4 hợp phần cơ bản:

Hợp phần Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn ĐBKK. Đối tượng của hợp phần là hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn ĐBKK, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo mức bình quân chung của địa phương, có khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Với đất ở, các hộ này do địa phương bố trí đất. Riêng đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngân sách Trung ương đảm bảo mức hỗ trợ hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ nhằm đạt mức bình quân đất ở cho mỗi hộ bằng mức bình quân đất thổ cư của xã, mỗi hộ không dưới 40m2/hộ, mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương tối thiểu là 10%. Với đất sản xuất: Hộ có nhu cầu đất sản xuất được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo quỹ đất sản xuất. Với hộ không có nhu cầu đất sản xuất nhưng có nhu cầu chuyển đổi nghề thì được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ nước sinh hoạt: hỗ trợ mỗi hộ 1,5 triệu đồng để xây dựng, mua vật dụng chứa nước, đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước sinh hoạt. Với các công trình nước sinh hoạt tập trung thì hỗ trợ 1.500 triệu đồng.

Hợp phần hỗ trợ có điều kiện: hộ xây dựng phương án sản xuất cụ thể và cam kết thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

Hợp phần Bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng khó khăn: gồm hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm định cư tập trung, điểm định cư xen ghép, hỗ trợ để làm nhà ở. Hợp phần này sẽ hỗ trợ cho địa phương tiếp nhận hộ định cư xen ghép 50 triệu đồng/hộ để bồi thường đất ở, đất sản xuất cho hộ sở tại chuyển nhượng cho hộ đến ĐCĐC xen ghép; hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để làm nhà ở, mua lương thực và vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Riêng đối với hộ định cư xen ghép được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/ hộ để tạo nền nhà.

Hợp phần Hỗ trợ tín dụng: các hộ được vay vốn tạo quỹ đất sản xuất, mua sắm bông cụ, máy móc để sản xuất được cho vay đối đa 30 triệu đồng; thời hạn vay là 5 năm với mức lãi xuất chỉ 1,2%/năm.

Theo tính toán của Ủy ban Dân tộc, tổng số vốn cho Chương trình là 38 tỷ đồng, nguồn vốn được lấy từ ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương bảo đảm tối thiểu 20% và huy động thêm nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực