Nhờ nguồn vốn của Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
có thêm nhiều nguồn lực để xóa đói giảm nghèo bền vững (nguồn ảnh: tapchitaichinh.vn)
Báo cáo nêu rõ, tổng kinh phí hỗ trợ đã cấp cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 154 tỷ 248 triệu đồng, qua đó đã hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 4.479 hộ gồm: Đăk Lăk (1051 hộ), Lâm Đồng (13 hộ), Đăk Nông (95 hộ), Kon Tum (754 hộ), Gia Lai (374 hộ); chuyển đổi nghề cho 15.905 hộ gồm Lâm Đồng (1.015 hộ), Kon Tum (2.363 hộ), Gia Lai (1.988 hộ), Đăk Lăk (780 hộ), Đăk Nông (3.577 hộ); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 57.322 hộ trong đó Đăk Nông 4.808 hộ, Lâm Đồng 1.770 hộ; Gia Lai 4.177 hộ; Đăk Lăk 12.743 hộ; Kon Tum 7.567 hộ.
Cũng trong năm 2016 đã xây dựng mới và duy tu bảo dưỡng 230 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó 13 công trình tại Đăk Lăk, 13 công trình tại Lâm Đồng; duy tu bảo dưỡng 5 công trình tại Đăk Nông và 199 công trình tại Gia Lai. Bên cạnh đó, đã hỗ trợ đất ở cho 2.191 hộ tại các tỉnh Kon Tum (1.964 hộ) và Gia Lai (227 hộ).
Vì Chương trình hỗ trợ đất ở và đất sản xuất theo Quyết định 755/QĐ-TTg cũng cùng trên địa bàn thụ hưởng của Chương trình 135, nên nhiều tỉnh đã thực hiện lồng ghép hai nguồn vốn của hai chương trình này trong quá trình triển khai, cũng như lồng ghép với các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo khác như Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới... Trong quá trình lồng ghép vẫn đảm bảo yếu tố rõ ràng về nguồn lực để có thể thanh quyết toán, tránh vi phạm và vẫn tập trung theo đúng mục tiêu của từng chương trình.
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, Quyết định 755/QĐ-TTg là một chính sách đặc thù của Chính phủ dành cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi, là chính sách hợp lòng dân, đáp ứng được mong đợi của đồng bào và tháo gỡ cho nhiều địa phương những khó khăn bức bách về đất sản xuất và nước sinh hoạt. Các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là những giải pháp quan trọng đối với các địa phương không còn quỹ đất đề cấp cho đồng bào. Đồng bào các dân tộc thiểu số thực sự phấn khởi, ngày càng thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội…
Tuy vậy, tiến độ chung so với mục tiêu của Đề án là chậm, nhất là hợp phần hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và giải ngân nguồn vốn vay tín dụng. Nguyên nhân chính ngay từ lúc rà soát, lập đề án ban đầu các địa phương không xác định được hoặc không còn quỹ đất để thực hiện. Bên cạnh đó, kinh phí bố trí để thực hiện Đề án đạt thấp, ngân sách trung ương bố trí hỗ trợ cho các địa phương còn chậm, trong khi ngân sách đối ứng của địa phương khó khăn. Một số mục tiêu hỗ trợ đất ở, duy tu bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt tập trung…, từ ngân sách địa phương cân đối nhưng do ngân sách tỉnh, huyện khó khăn, không cân đối được nên kết quả đạt thấp. Công tác quản lý sử dụng sau công trình (nước sinh hoạt tập trung) ở một số địa phương làm chưa tốt, một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa kịp thời được sửa chữa…