Nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Trần Quyền |
|
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2011 - 2015, với tổng kinh phí gần 462 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, từng bước làm thay đổi diện mạo và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ với nhiều dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Tày, Nùng, Mông, Hoa, Dao,… trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 27%. Toàn tỉnh hiện có 35 xã khu vực I, 41 xã khu vực II, 48 xã khu vực III, 598 xóm đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở vùng thụ hưởng chính sách, Chương trình 135 ở tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả khá tốt, cơ sở hạ tầng được bổ sung, hoàn thiện thêm, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; bộ mặt nông thôn miền núi, vùng cao có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể; năng lực cán bộ ở cơ sở và nhận thức của nhân dân được nâng lên về nhiều mặt…
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã đầu tư xây dựng được 468 công trình, trong đó có 293 công trình giao thông, 59 công trình thủy lợi, 3 công trình điện, 69 công trình trường học, 5 công trình trạm y tế, 1 công trình chợ, 33 công trình nhà văn hóa, 5 công trình nước sinh hoạt. Trong phát triển sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến cho gần 20.000 hộ; hỗ trợ xây dựng 21 mô hình sản xuất hiệu quả; thực hiện duy tu bảo dưỡng 51 công trình sau đầu tư; hỗ trợ tiền ăn cho 19.300 lượt học sinh con hộ nghèo…
Đặc biệt, tại thị xã Phổ Yên, nơi có gần 3.800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, Chương trình 135 đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống đồng bào. Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn là gần 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, thị xã đã đầu tư xây dựng 17 công trình giao thông, 5 công trình thuỷ lợi, 3 nhà văn hoá và 1 công trình điện sinh hoạt… Bên cạnh đó, Chương trình cũng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ hoạt động văn hoá, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình 135 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Ông Triệu Minh Thái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc giao vốn thực hiện của Trung ương có năm còn chậm; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; ngân sách địa phương còn khó khăn nên hầu hết các huyện chưa bố trí được kinh phí quản lý Chương trình 135 cho Phòng Dân tộc, Phòng NN&PTNT…
Về các công trình đầu tư mới, cần có sự phối hợp, lồng ghép với vốn chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác; cơ chế quản lý, lồng ghép các nguồn lực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các chương trình, dự án. Nhiệm vụ thực hiện Chương trình 135 ở cấp huyện giao cho nhiều phòng chuyên môn triển khai thực hiện nên còn khó khăn trong việc theo dõi và tổng hợp báo cáo; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chuyên môn với phòng Dân tộc trong quá trình triển khai thực hiện; việc tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện từ cấp huyện chưa kịp thời, ảnh hưởng đến sự điều hành chung của tỉnh; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách của một số ít địa phương chưa được thường xuyên.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có liên quan xem xét và quyết định tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020, cấp đủ kinh phí theo quy định; bổ sung thêm kinh phí dự án đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cộng đồng; bố trí kinh phí bổ sung dự án trung tâm cụm xã đã hoàn thành và các công trình xây dựng còn dở dang chưa hoàn thành.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình khi Chính phủ quyết định về chính sách; cấp kinh phí cho các xã, xóm thụ hưởng Chương trình theo đúng định mức Chính phủ quy định. Về cơ chế quản lý, tỉnh cũng đề xuất nên có hướng dẫn quy định giao cho một đầu mối quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình, theo đó ở tỉnh là Ban Dân tộc, ở huyện là Phòng Dân tộc./.