Trường PTDTNT huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết, đến 31/12/2015 số vốn đã giải ngân được là 76,7 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn giao. Tính đến 30/6/2016 giải ngân thêm được gần 38 tỷ đồng, nâng tổng số vốn đã giải ngân lên gần 115 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch vốn giao. Số kinh phí còn dư là 4 tỷ đồng, trong đó 1,36 tỷ đồng chưa giải ngân được của 2 công trình thuộc tỉnh Quảng Ngãi (Đường bê tông xi măng thôn Gỗ nối tiếp của xã Trà Thanh, huyện Tây Trà và Công trình đường khu dân cư xóm Nước Tua, thông Mang He, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây). Số kinh phí còn lại của các địa phương là 2,6 tỷ đồng, các địa phương đề nghị được sử dụng để duy tu, bảo dưỡng các công trình và thanh toán các chi phí sau quyết toán.
Có thể nói, với sự hỗ trợ của Chính phủ Ai Len, các địa phương đã góp phần tăng thêm các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tạo tiền đề vật chất để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các công trình đã thực sự phát huy được hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn các xã ĐBKK phát triển sản xuất, vận chuyển, trao đổi hàng hóa và đi lại được thuận tiện, nhất là vào mùa mưa, giúp đồng bào có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Các công trình được triển khai xây dựng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân địa phương, do đó công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi, nhân dân sẵn sàng hiến đất đai, cây trái, hoa màu tạo điều kiện cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Một số địa phương đã lồng ghép nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len với nguồn vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của Chương trình 135, nguồn vốn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp nên các công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như tỉnh: Trà Vinh, Cao Bằng …
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương cũng gặp một số khó khăn do đặc thù vùng dân tộc và miền núi, địa hình, địa chất bị chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến thất thường, mùa mưa kéo dài thường gây ra lũ quét và sạt lở đất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các công trình. Bên cạnh đó, năng lực tổ chức thực hiện của một số địa phương còn yếu, đặc biệt là cán bộ cấp xã. Thực tế khi phân cấp cho xã làm chủ đầu tư thì năng lực cán bộ nâng lên rõ rệt nhưng đặc thù cán bộ xã có sự luân chuyển, biến động lớn theo nhiệm kỳ, nếu không thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng thì không thể đáp ứng yêu cầu xã làm chủ đầu tư.
Về công tác kiểm tra, Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành và nhà tài trợ tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện tại các địa phương: Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Kon Tum, Trà Vinh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi … Đến 30/6/2016, cơ bản các công trình đều đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Để đảm bảo cam kết tại Thỏa thuận tài trợ về phân cấp cho xã làm chủ đầu tư, Ủy ban Dân tộc đã có hướng dẫn triển khai thực hiện nguồn vốn viện trợ trong đó yêu cầu các tỉnh lựa chọn và hỗ trợ các xã để xã có đủ năng lực làm chủ đầu tư các công trình và đảm bảo ít nhất 70% các xã tiếp nhận vốn viện trợ làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay theo báo cáo của các tỉnh có 36/65 xã làm chủ đầu tư đạt 55% kế hoạch.