Giảm nghèo bền vững: Tăng cho vay có điều kiện, giảm tối đa cho không

Thứ ba, 20/12/2016 11:04
(ĐCSVN) - Sáng 22/11, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm dự án hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững, thời kỳ 2011-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2012-2015 (gọi tắt là Dự án PRPP).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VG)

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Dự án PRPP do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Ai Len hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH – với vai trò là cơ quan chủ quản dự án và 09 cơ quan phối hợp thực hiện dự án gồm Ủy ban Dân tộc và 08 tỉnh được lựa chọn: Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh.

Tại 08 tỉnh, PRPP đã tập trung hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV), giai đoạn 2012-2015, thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân –đặc biệt người nghèo; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sáng tạo, mô hình trọn gói trong giảm nghèo, phát huy vai trò cộng đồng, tự lực, tự cường của người dân khi triển khai các hoạt động giảm nghèo trong CTMTQGGNBV cũng như các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; xây dựng và lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó tổng hợp các cách làm hay, đúc rút thành các bài học kinh nghiệm để thể chế hóa, nhân rộng áp dụng trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước và đặc biệt cung cấp các minh chứng thực tế cho các cơ quan trung ương nghiên cứu ban hành chính sách và xây dựng, thực hiện hiệu quả CTMTQGGNBV.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Phó Giám đốc dự án PRPP cho biết, khi đối chiếu giữa nguồn lực phân bổ cho PRPP với các kết quả mong đợi đặt ra, đến nay, PRPP đã hoàn thành xuất sắc và vượt các kết quả mong đợi theo Văn kiện dự án đã được Thủ tướng phê duyệt, trong khi vẫn chưa sử dụng hết nguồn lực được phân bổ từ đầu dự án. Cụ thể là ngoài việc hỗ trợ cho Chính phủ và các địa phương xây dựng, triển khai CTMTQGGNBV giai đoạn 2012-2015, dự án còn hỗ trợ xây dựng và triển khai các nội dung quan trọng ban đầu của hai CTMTQG giai đoạn 2016-2020, với những đổi mới rõ nét, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể đạt các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Hồi, cần phải nhấn mạnh rằng giá trị của PRPP liên quan đến các hỗ trợ nói trên không chỉ nằm ở số lượng nghiên cứu, tập huấn, truyền thông vận động thay đổi quan điểm, nhận thức của cán bộ và người dân, mà giá trị còn thể hiện rõ nhất ở đổi mới cách làm, để từ đó nâng cao chất lượng và nội dung đổi mới trong hoạt động hỗ trợ của PRPP.

Điều này thể hiện ở chỗ, lần đầu tiên trong giảm nghèo, cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói cho xã và cộng đồng được thể chế hóa thành chiến lược và chính sách giảm nghèo ở cấp quốc gia. Các mô hình sáng tạo trong giảm nghèo, như phát huy nội lực của cộng đồng, tiếp cận nhân học, trao quyền cho phụ nữ, mô hình tạo việc làm công cho người nghèo được tài liệu hóa và chính thức được phê duyệt trong Khung thiết kế của CTMTQGGNBV, giai đoạn 2016-2020.

Lần đầu tiên trong giảm nghèo, xã và cộng đồng được phân bổ ngân sách trung hạn (3-5 năm) và lập kế hoạch trung hạn (3-5) năm trong giảm nghèo (cho giai đoạn 2016-2020).

Đáng chú ý, lần đầu tiên “nghèo đa chiều” đã được giới thiệu, hoàn thiện phương pháp luận và thể chế hóa thành phương pháp đo lường nghèo chính thức, làm cơ sở định hướng chiến lược và chính sách can thiệp cụ thể ở cấp quốc gia, với sự thống nhất cao của cả Quốc hội và Chính phủ (Quyết định 1614)...

“Các nội dung đổi mới nêu trên đã góp phần to lớn cho quá trình thực hiệu quả Nghị quyết 80, đặc biệt trong thiết kế và thực hiện hiệu quả CTMTQGGNBV, giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020, đóng góp cho kết quả giảm nghèo nhanh và bền vững của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao” - ông Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, một trong thành tựu của Việt Nam trong những năm qua là đã tạo ra thành quả rất to lớn trên lĩnh vực giảm nghèo. Tuy nhiên, từ nay với cách tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều mới, sẽ có nhiều yêu cầu cao hơn trong công tác giảm nghèo, nâng cao dân trí, đời sống người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi.

Bộ trưởng cũng khẳng định còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Bởi công bố nghèo theo tiêu chí đa chiều của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo là 9,88% và cận nghèo 5,22%; trong đó 86% là nghèo thu nhập. Đây là thách thức lớn đối với giảm nghèo Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, nhất là với 64 huyện nghèo, nơi tập trung nhiều người nghèo nhất và chủ yếu tập trung tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi...

Để giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng cho rằng, giai đoạn tiếp theo của dự án PRPP cần tập trung rà soát lại chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp, hệ thống; cho vay có điều kiện, giảm tối đa cho không. Việc giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng thay đổi phương pháp tiếp cận giảm nghèo, trong đó quan trọng nhất là thay đổi hành vi, nhận thức về giảm nghèo...

Thảo luận tại hội nghị các đại biểu cho rằng, dự án cần tiếp tục hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan sắp xếp tích hợp hệ thống chính sách giảm nghèo đa chiều, hài hòa với các chính sách phát triển xã hội; hoàn thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều; cải cách phương thức thực hiện chính sách giảm nghèo, lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm. Dự án hỗ trợ các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình phân cấp, trao quyền, hỗ trợ trọn gói, phát huy vai trò cộng đồng ở các cấp địa phương; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở trong việc thực hiện Chương trình; phát huy vai trò cộng đồng và trách nhiệm của người nghèo, tổng kết và chia sẻ các bài học, mô hình thành công trong giảm nghèo và trợ giúp xã hội.../.

Kim Thanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực