Tỉnh Lai Châu trao quyền nhiều hơn cho cơ sở trong công tác xóa đói giảm nghèo

Thứ hai, 26/12/2016 09:40
(ĐCSVN) - Năm 2016 việc chuyển đổi tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, do là năm đầu triển khai nên bên cạnh những thuận lợi cũng đã xuất hiện không ít khó khăn. Phóng viên Báo điện tử ĐCSVN đã có cuộc trao đổi với Đ/c Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu xung quanh vấn đề này.

Đ/c Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết, việc chuyển từ phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều có gây khó khăn và thuận lợi gì cho công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Lai Châu?

Đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Trước đây, quan niện về nghèo đói thường gắn liền với thu nhập thấp hơn mức trung bình, nghĩa là lấy thu nhập làm tiêu chí chủ yếu để đánh giá. Nhưng nay, quan niệm về nghèo đói đã rộng hơn, đa chiều hơn, đó là không đủ ăn, nhà cửa dột nát, thường xuyên ốm đau nhưng không có tiền chữa bệnh, con cái không được đến trường, không có tư liệu sản xuất (đất) hoặc có nhưng làm không đủ ăn vì không có vốn, thiếu kiến thức sản xuất.... Có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư; ít cơ hội lựa chọn, tham gia vào quá trình phát triển của cộng đồng…

Việc chuyển từ phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều đem lại những thuận lợi cho công tác xóa đói giảm nghèo như sau: Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều khác với chuẩn nghèo tiếp cận đơn chiều. Thay vì xác định chuẩn nghèo chỉ dựa theo thu nhập như đơn chiều, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều sẽ xem xét dựa trên 5 tiêu chí gồm: y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Do vậy, với các tiêu chí để xác định hộ nghèo, cận nghèo mang tính mở rộng hơn và cụ thể hơn cho nên dễ thực hiện việc xác định và bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mặt khác, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều không chỉ tác động đến người nghèo mà sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, khu vực. Đây là một "bước ngoặt" lớn trong việc thay đổi chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn tiếp theo. Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều là thay đổi cần thiết để thực hiện công cuộc xóa nghèo nhanh và bền vững hơn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo sang đa chiều cũng gây ra một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, do các tiêu chí để xác định hộ nghèo, cận nghèo mang tính mở rộng hơn nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều cũng tăng cao so với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đơn chiều (số lượng hộ nghèo và cận nghèo đa chiều nhiều hơn rất nhiều so với số lượng hộ nghèo và cận nghèo đơn chiều). Điều này đồng nghĩa với số lượng đối tượng thụ hưởng các chương trình, chính sách cũng tăng cao hơn so với trước đây, trong khi nguồn lực của Trung ương rất hạn hẹp, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân. Do đó đòi hỏi phải có nguồn lực lớn hơn để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Thứ hai, một số chính sách dân tộc vẫn quy định đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo đơn chiều (như Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định số 02/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nước sinh hoạt cho hộ nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 54/QĐ-TTg). Do vậy, tỉnh Lai Châu đồng thời phải ban hành Quyết định phê duyệt hộ nghèo, cận nghèo theo cả hai phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều và đa chiều.

Thứ ba, việc giải quyết các chiều thiếu hụt (tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin) khó khăn hơn, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đòi hỏi nguồn lực đảm bảo.

PV: Thời gian qua, Chương trình 135 được triển khai theo hướng đầu tư trực tiếp và trao quyền nhiều hơn cho người dân. Đồng chí có thể cho biết, vấn đề này ở Lai Châu được thực hiện như thế nào và có khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình triển khai?

Đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Vấn đề này ở Lai Châu được thực hiện như sau: Việc phân cấp quản lý thực hiện theo đúng quy định của Chương trình 135. UBND cấp huyện quyết định đầu tư tất cả các dự án thuộc Chương trình 135; về phân cấp chủ đầu tư, 100% các xã được phân cấp làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất và nguồn vốn duy tu bảo dưỡng.

Người dân là người chủ thực sự của các chính sách các công trình đầu tư phúc lợi công cộng, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người dân là người trực tiếp được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách, do vậy họ được trao quyền nhiều hơn trong việc trực tiếp tham gia hoặc cử đại diện của mình tham gia vào các hoạt động của Chương trình. Hướng đầu tư trực tiếp và trao quyền nhiều hơn cho người dân đã giúp người dân nâng cao năng lực và có thể còn quan trọng hơn việc đầu tư tiền bạc. Qua việc tham gia vào các hoạt động đánh giá nhu cầu và xác định khó khăn, xác định các hoạt động ưu tiên…, người dân có được các kỹ năng phân tích. Qua việc tham gia vào lập kế hoạch và qua việc tham gia vào thực hiện dự án, họ sẽ dần dần tự tin và có kỹ năng tổ chức.

Người dân được thông báo về chủ trương, kế hoạch đầu tư, hỗ trợ của chương trình, được hỏi ý kiến, được bàn bạc, thảo luận, được tham gia, được ra quyết định, được giám sát, được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và đặc biệt khẳng định quyền làm chủ thực sự của người dân.

Tuy nhiên, việc trao quyền nhiều hơn cho người dân trong quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, người dân e ngại, chưa phát huy hết khả năng, năng lực của mình trong thực hiện do trình độ dân trí còn thấp, chưa hiểu rõ về chương trình, chính sách.

Thứ hai, người dân có ít thời gian và chưa quan tâm, chú trọng đến quyền lợi của mình trong thực hiện các chương trình, chính sách do họ còn dành nhiều thời gian cho việc gia đình, đồng áng, mùa vụ...

PV: Chương trình 135 giai đoạn tới (2016 - 2020) sẽ ưu tiên theo mô hình đầu  tư cho nhóm hộ trên cơ sở xác định các nhóm nhu cầu cụ thể, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải… Vấn đề này sẽ được tỉnh Lai Châu thực hiện như thế nào? Có khó khăn vướng mắc gì?

Đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Chương trình 135 giai đoạn tới (2016 - 2020) sẽ ưu tiên theo mô hình nhóm hộ, trên cơ sở xác định các nhóm nhu cầu cụ thể, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải… Hiểu rõ về tính ưu việt của việc ưu tiên mô hình nhóm hộ, cho nên vấn đề này được tỉnh Lai Châu thực hiện như sau:

Ban Dân tộc và các ngành chức năng của tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn các huyện về quy trình thành lập nhóm hộ như: Nhóm hộ phải được lựa chọn công khai, dân chủ từ cơ sở trên cơ sở tự nguyện, gồm những hộ nghèo, cận nghèo và những hộ khác có uy tín đang sinh sống trên cùng địa bàn, có kinh nghiệm trong sản xuất, có khả năng hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong nhóm vươn lên thoát nghèo. Nhóm hộ có một trưởng nhóm do các hộ bầu ra để quản lý điều hành các hoạt động của nhóm (ưu tiên phụ nữ làm trưởng nhóm). Có cam kết và quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ để thực hiện kế hoạch, dự án sản xuất đã được xác định và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên. Việc thành lập nhóm hộ do UBND xã quyết định; số lượng hộ tham gia trong nhóm không dưới 5 hộ, trong đó tỷ lệ hộ không phải hộ nghèo trong nhóm không quá 20% tổng số hộ của nhóm và phải có sự thống nhất của đa số hộ nghèo, cận nghèo. Nhóm hộ tự xây dựng nội quy hoạt động, được trưởng bản đồng thuận và Chủ tịch UBND xã phê duyệt.

Trong quá trình triển khai mô hình này, tỉnh đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các thành viên trong nhóm chưa thật sự quan tâm chú trọng trong việc thụ hưởng chính sách, tình trạng “cha chung không ai khóc” vẫn còn xảy ra, ví dụ: nhóm hộ được hỗ trợ một máy móc nông cụ thì việc vận hành, bảo quản sử dụng chưa được nêu cao, dẫn đến tuổi thọ của máy móc không cao, những lúc hư hỏng không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Hoặc nhóm hộ được hỗ trợ một con gia súc (trâu, bò), việc chăn thả, chăm sóc những lúc thời tiết khắc nghiệt dẫn đến gia súc bị bệnh không được chữa trị kịp thời...

PV: Hiện nay có một tình trạng chung trong đồng bào dân tộc thiểu số là tâm lý trông chờ, ỉ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng đầu tư nhiều hơn. Đề nghị đồng chí cho biết, tỉnh Lai Châu đã và sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?

Đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Để khắc phục tình trạng chung trong đồng bào dân tộc thiểu số là tâm lý trông chờ, ỉ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng đầu tư nhiều hơn, trước hết tỉnh thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên thoát nghèo của mình. Để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo chính là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo. Có chính sách cho việc nhân rộng mô hình, điển hình làm tốt để cùng thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất với Chính phủ xem xét việc bỏ hẳn chính sách cho không và cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, để tăng dần các chính sách hỗ trợ gián tiếp; đồng thời tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm và khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo. Ưu tiên dạy nghề cho người nghèo. Muốn thoát nghèo người dân phải được dạy nghề, được vay vốn một cách phù hợp, thỏa đáng. Cần cân nhắc, tính toán lại cụ thể giữa cho “cần câu”, hay cho “con cá” theo hướng chủ yếu là hỗ trợ cho “cần câu” để người dân tự “câu cá”.

PV: Tỉnh Lai Châu có đề xuất, kiến nghị gì với Trung ương nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình 135 trong thời gian tới (2016 - 2020)?

Đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Trong giai đoạn 2016 - 2020, Lai Châu đề nghị với các Bộ, ngành Trung ương:

Thứ nhất, sớm ban hành Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương (nhất là cơ quan thường trực Chương trình) để địa phương chủ động trong việc tổ chức thực hiện.

Thứ hai, đề nghị Trung ương giao vốn đủ theo quy định. Theo thông báo nguồn 135 năm 2017, hiện nay, tỉnh Lai Châu được giao tổng kinh phí là: 113.885 triệu đồng, song theo định mức quy định theo Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 05/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh Lai Châu có số kinh phí là 120.327 triệu đồng (thiếu 6.442 triệu đồng thuộc vốn sự nghiệp).

Thứ ba, cần thống nhất cơ chế quản lý giữa các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cho phép lồng ghép nguồn lực thực hiện các chính sách có cùng nội dung để hoàn thành các mục tiêu. Phân nguồn riêng và chi tiết cho từng Chương trình 135 và 30a để cho tỉnh dễ phân bổ và triển khai nguồn thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Quỳnh - Thương Huyền - Tuyết Lê
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực