(ĐCSVN) – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan vừa chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng khoản viện trợ của Chính phủ Ailen cho Chương trình 135 giai đoạn II.
Thực hiện Thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Viện trợ Ailen về khoản hỗ trợ 5,5 triệu Euro trong năm 2012 cho các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, từ ngày 02/3/2015 đến ngày 12/5/2015 Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng khoản viện trợ của Chính phủ Ailen cho Chương trình 135 giai đoạn II tại 8 tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam.
Qua kết quả kiểm toán cho thấy, cùng với những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Ailen ở các tỉnh còn bộc lộ những hạn chế đặc biệt trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, công tác quản lý tài chính, kế toán, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
|
Bằng nguồn vốn từ Chương trình 135, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã mở mới được 12km đường giao thông. Nguồn: baobackan.org.vn |
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, triển khai nguồn vốn viện trợ đảm bảo tiến độ, hiệu quả theo đúng cam kết với Nhà tài trợ, Ủy ban Dân tộc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán việc quản lý, sử dụng khoản viện trợ của Chính phủ Ailen cho Chương trình 135 giai đoạn II, tập trung vào những vấn đề:
Xử lý về tài chính đối với các khoản chi không đúng quy định, thu hồi nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán đối với các công trình được kiểm toán theo giá trị Kiểm toán Nhà nước đã xác định và bố trí nguồn lực để hoàn trả vốn cho Chương trình.
Chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán: Cần có biện pháp tăng cường công tác quản lý dự án, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ quản lý chất lượng, thực hiện đúng quy trình kiểm tra, giám sát, nghiệm thu giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công, rút kinh nghiệm trong công tác nghiệm thu khối lượng, định mức, đơn giá công việc chưa chính xác tại các gói thầu xây lắp.
Rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các sai sót trong việc thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, công tác ký kết hợp đồng xây dựng, quản lý chất lượng công trình; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, kịp thời thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán công trình hoàn thành đúng quy định.
Chỉ đạo UBND các huyện có công trình được đầu tư rút kinh nghiệm về hồ sơ đề xuất đăng ký xã, công trình được đầu tư cần đảm bảo đầy đủ thủ tục, trình tự (tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn). Chỉ đạo UBND các huyện chú trọng, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình sau đầu tư.
Chỉ đạo UBND các xã, các đơn vị được giao quản lý sử dụng các công trình thường xuyên theo dõi, bảo quản trong quá trình sử dụng của người dân, đảm bảo chất lượng công trình, thường xuyên duy tu bảo dưỡng công trình kênh thủy lợi, nước sinh hoạt; yêu cầu đơn vị nhận bàn giao công trình lập quy chế vận hành, hướng dẫn sử dụng làm sơ sở thực hiện; lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng đối với các công trình giao thông. Chủ động lập kế hoạch, bố trí nguồn lực cụ thể cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình.
Ủy ban Dân tộc cũng yêu cầu rà soát năng lực cấp xã thuộc diện đầu tư của Chương trình để thực hiện đúng cam kết với Nhà tài trợ “xã được lựa chọn tiếp nhận khoản viện trợ phải có khả năng làm chủ đầu tư”. Bên cạnh đó, chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan tham mưu có liên quan xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn của địa phương (tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn), ngừng chủ trương huy động đóng góp kinh phí từ người dân để đối ứng thực hiện các dự án trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (tỉnh Nghệ An). Đồng thời, báo cáo kinh phí còn thừa sau khi quyết toán các dự án để Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành và nhà tài trợ có phương án xử lý kinh phí còn thừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.