Thứ hai, 14/08/2023 08:27 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã xây dựng và ban hành cơ bản đầy đủ các cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 24/7/2023, tại mỗi địa phương cần ban hành khoảng 17 văn bản quản lý, điều hành để thực hiện 12 nội dung quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
|
Lớp học nghề làm chổi tre và chổi chít cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại thôn Cào và thôn Kiều, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang |
Trung bình các địa phương trong vùng đã xây dựng khoảng 14 văn bản quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu để thực hiện 12 nội dung theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Các nội dung không bắt buộc phải xây dựng văn bản quản lý gồm: Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; Quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng.
Các tỉnh: Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lai Châu đã ban hành đủ 17/17 văn bản để thực hiện các nội dung.
Bên cạnh đó, ngày 24/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022; các Bộ, cơ quan Trung ương đã sửa đổi, bổ sung 04 thông tư.
Như vậy, các địa phương cơ bản đã có đủ cơ sở pháp lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Mai Anh