Đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển vùng trồng dược liệu quý

Thứ sáu, 09/12/2022 16:11
(ĐCSVN) - Bạn đọc Tòng Thị Hoa (Hà Giang) hỏi: Vấn đề hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý được đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đoạn 1 (2021 – 2025) như thế nào?
Mô hình trồng cây thìa canh làm dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An) mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, mía. Ảnh: Văn Tý 

Trả lời: Vấn đề bạn Tòng Thị Hoa quan tâm liên quan đến Nội dung số 02 về Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, thuộc Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.  Cụ thể như sau:

+ Mục tiêu: Bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

+ Đối tượng: Các dự án phát triển sâm và dược liệu quý có hoạt động ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số (ưu tiên các dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ), do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trong vùng;

Thôn, xã, huyện, tỉnh nơi triển khai dự án.

+ Nội dung:

Địa phương nơi triển khai dự án căn cứ điều kiện thực tế hỗ trợ, bố trí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đủ môi trường rừng để triển khai dự án;

Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông kết nối đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước) để phục vụ dự án phát triển vùng nguyên liệu. Ưu tiên hỗ trợ các dự án nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn thực hiện dự án để hình thành vùng nguyên liệu;

Hỗ trợ kinh phí cải tạo cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, cơ sở bảo quản dược liệu quý và mua sắm trang thiết bị trong hàng rào dự án. Ưu tiên hỗ trợ các khu, vùng nuôi trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao;

Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ;

Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh;

Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng;

Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi;

. Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm;

Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ 01 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm;

Hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số;

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng; xúc tiến thương mại cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực