Tăng đầu tư cho địa bàn khó khăn và phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước

Thứ tư, 23/11/2022 09:40
(ĐCSVN) - Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020. So với các lần phân định trước, lần phân định này có nhiều điểm mới, dẫn đến giảm số lượng xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm số lượng xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm đạt mục tiêu tăng đầu tư cho những địa bàn khó khăn hơn và phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước.
Một xã biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (ảnh: TQ)

Từ năm 1996 đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta đã có 4 lần phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển. Theo đó, xã khu vực III là xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực II là xã còn khó khăn và xã khu vực I là xã bước đầu phát triển.

Các cách phân định cũ đều không đề cập đến tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số. Do đó dẫn đến tình trạng, trong số các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có bao gồm cả các xã không có hoặc có rất ít đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thực tế, điều này đã góp phần tạo nên sự bất cập, làm cho nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc bị dàn trải, thiếu tập trung, thậm chí có xã không có đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vẫn được thụ hưởng chính sách dân tộc.

Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang tồn tại 5 cái “nhất”, đó là: điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất - theo tổng kết của ông Hà Ngọc Chiến - nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa XIV.

Từ thực trạng trên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang là “vùng lõm” phát triển của đất nước. Và nếu hiểu theo cách này thì những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ là “vùng lõm của vùng lõm”.

Để giải quyết 5 cái “nhất” của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời khắc phục những bất cập trong cách phân định cũ, Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng, ban hành “Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”.

Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn theo trình độ phát triển, nhưng đã có cách tiếp cận và cách phân định khác so với trước đây.

Trên cơ sở tham mưu của các bộ, ngành Trung ương và ý kiến của địa phương, ngày 12/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025.

Trong Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã lượng hóa tiêu chí các xã, phường, thị trấn dân tộc thiểu số phải có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên. Các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư, tổ dân phố và tương đương có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.

Bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, sở dĩ các cơ quan tham mưu chọn tỷ lệ 15% để xác định tiêu chí xã, thôn vùng dân tộc thiểu số là dựa trên căn cứ kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số lần thứ II (tính đến 01/4/2019, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đã chiếm 14,7% tổng dân số cả nước).

Địa bàn đặc biệt khó khăn được xác định là các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông, điều kiện khám, chữa bệnh, học tập của người dân còn khó khăn… Đối với địa bàn này, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những dịch vụ cơ bản để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng, miền khác.

Địa bàn còn khó khăn là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, còn thiếu hụt một hoặc một số điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với địa bàn này, Nhà nước chỉ hỗ trợ tạo sinh kế, đầu tư bổ sung một phần hạ tầng còn thiếu hụt, chủ yếu là thực hiện các chính sách đối với con người.

Địa bàn bước đầu phát triển là các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Đối với các xã này, cơ bản thực hiện chính sách đối với con người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Việc phân định các thôn đặc biệt khó khăn được thực hiện đối với những xã không đủ tỷ lệ 15% số hộ dân tộc thiểu số hoặc các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, so với các lần phân định trước, lần phân định này có nhiều điểm mới, dẫn đến giảm số lượng xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giảm số lượng xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm đạt mục tiêu tăng đầu tư cho những địa bàn khó khăn, người nghèo hơn, phù hợp với thực tế ngân sách và tinh thần hỗ trợ nhau cùng phát triển; là điều kiện để nâng định mức, ưu tiên đầu tư cho những địa bàn đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước.

Việc xác định tiêu chí 3 khu vực cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc lập, phân bổ ngân sách đầu tư, hỗ trợ, áp dụng các định mức đầu tư phù hợp với mức độ khó khăn dựa trên kết quả xác định tiêu chí sẽ đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm cho “vùng lõm của vùng lõm”, bà Đinh Thị Thảo - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình nhận xét./.

Quỳnh Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực