Việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi (NCT), đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Hiện nay ở Việt Nam, có khoảng hơn 1/3 người cao tuổi hiện đang tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, để tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập là điều không hề đơn giản đối với người cao tuổi.
|
Số đông người cao tuổi mong muốn có việc làm để bảo đảm thu nhập và tránh lệ thuộc vào con cháu.
Ảnh: Phương Thanh/dangcongsan.vn |
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, lực lượng lao động cao tuổi đã và đang tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế, mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam cho biết: cả nước hiện có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với người cao tuổi ở nông thôn, nhiều người cao tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm cho rằng “ốm tha, già thải” nên những người cao tuổi là những người đã hết độ tuổi lao động. Do đó, người cao tuổi cần phải nhường lại thị trường lao động cho những người trẻ hơn, đang trong độ tuổi lao động. Sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi cần được nghỉ ngơi và dành thời gian cho con cháu. Trong khi thực tế thì người cao tuổi là vốn quý của xã hội, lãng phí nguồn lực này cũng đồng nghĩa rằng, đang gây sức ép đáng kể cho vấn đề an sinh xã hội.
Theo Luật của Việt Nam, những người từ 60 tuổi trở lên được đặt trong nhóm người cao tuổi. Dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%. Từ đây, có thể thấy, xã hội Việt Nam đang đặt lên vai mình gánh nặng về an sinh xã hội đối với người cao tuổi.
Theo Báo cáo tại Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi, phần lớn người cao tuổi nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%). Số lượng người cao tuổi có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. Hiện nay, khoảng 70% người cao tuổi ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.
Hiến pháp 2013; Bộ Luật lao động năm 2019; Luật Người cao tuổi 2009 đều có các quy định liên quan đến chính sách sinh kế của NCT như: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. (Điều 33, 35, Hiến pháp). Bộ Luật lao động có các quy định về lao động là NCT, sử dụng lao động là NCT (điều 148 & 149); Luật người cao tuổi có các quy định về phát huy vai trò của NCT, trong đó có vấn đề sinh kế (Điều 3 & Điều 23)…
Trên thực tế, chúng ta có thể thấy nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ. Họ có thể tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp từ cổng vào như bảo vệ đến những công việc hành chính, phục vụ, kho, quản lý… Thậm chí, trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất cũng có sự tham gia của người lao động cao tuổi.
Theo TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam cho biết: Không phải tất cả NCT đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những NCT làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định; nhưng đối với nhóm NCT còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như NCT thu nhập thấp, NCT thuộc diện nghèo sống độc lập, người cao tuổi cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn…
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho NCT và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với NCT với chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân có độ tuổi thấp hơn độ tuổi của NCT. Chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đồng bằng và thành thị. Cụ thể như: vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩn; Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
TS Nguyễn Hải Hữu cũng nhận định, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi.
|
Ông Phạm Ngọc Tâm, , một người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế gia đình qua việc sản xuất đá mỹ nghệ cao cấp ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Phương Thanh/dangcongsan.vn |
Nhằm giúp người cao tuổi tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với các Bộ, ngành, hội người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Uỷ ban Quốc gia theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời có phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp với người cao tuổi.
Theo Ths. Trương Thị Ly, Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công Đoàn: Cần đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi; Tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh; Thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với cả nam và nữ; Phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, đảm bảo cho người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ, bảo vệ sức khỏe từ đó tạo nền tảng vững chắc để người cao tuổi có thể tiếp tục lao động, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình…
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn đến công tác truyền thông trên báo chí về người cao tuổi nói chung, truyền thông về nghề sinh kế và việc làm cho người cao tuổi nói riêng, để một bộ phận công chúng chưa có hiểu biết đầy đủ về người cao tuổi, về vấn đề già hóa dân số, về phát huy vai trò của người cao tuổi.
Thời gian tới, Cục Bảo trợ Xã hội các đối tác có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi; về công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với NCT trong bối cảnh già hóa dân số. Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội; Tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội./.